Đồng chí Lê Minh Hưng cho biết, sẽ kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện kể từ ngày 1/7/2025; Đảng bộ tỉnh, xã mới hợp nhất, sáp nhập không bầu Ban Chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030 và chủ động nghiên cứu phương án báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định sắp xếp tên gọi, địa điểm đặt trụ sở mới, bảo đảm chính quyền cấp xã phải gần dân, sát dân, tiết giảm chi phí, không hình thành cấp huyện thu nhỏ…
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng lưu ý về một số điểm mới liên quan tới công tác nhân sự tại Chỉ thị 45 và công tác sắp xếp tổ chức bộ máy. |
Sáng 16/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt chuyên đề "Về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi, bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị sửa đổi Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18/1/2025 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030".
Tổ chức đảng ở địa phương tương ứng với đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã
Việc xác định tên gọi và địa điểm đặt trung tâm chính trị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp dựa trên các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, về lịch sử truyền thống văn hóa dân tộc, kinh tế địa chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Ưu tiên sắp xếp các đơn vị hành chính có vị trí liền kề giữa miền núi đồng bằng với các địa phương có biển với mục tiêu cao nhất là mở rộng không gian phát triển, đáp ứng định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
Việc đặt tên cần dễ nhận diện, ngắn gọn, khoa học có giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ, ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính mới. Trung tâm chính trị hành chính, đơn vị hành chính mới cần có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thuận tiện kết nối với các khu vực phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, xem xét, lựa chọn trung tâm chính trị hành chính của một trong số các tỉnh hiện nay làm trung tâm chính trị hành chính mới. Sau khi tỉnh mới đi vào hoạt động ổn định, có thể nghiên cứu quy hoạch lựa chọn xây dựng các trung tâm chính trị hành chính mới hợp lý phù hợp.
Trên cơ sở các quan điểm, nguyên tắc, tiêu chí nêu trên, Trung ương đã đồng tình thống nhất rất cao và thông qua chủ trương định hướng như sau: Tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Cấp tỉnh gồm có tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cấp xã gồm xã, phường trực thuộc tỉnh, thành phố. Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, Trung ương Đảng cũng đã đồng ý kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện kể từ ngày 1/7/2025, sau khi Hiến pháp năm 2013 sửa đổi và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 sửa đổi có hiệu lực thi hành. Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.
Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư giao Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và khẩn trương xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền; trong đó căn cứ tiêu chí và thực tế địa phương, chủ động nghiên cứu phương án báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định sắp xếp tên gọi, địa điểm đặt trụ sở cấp xã bảo đảm chính quyền cấp xã gần dân, sát dân, tiết giảm chi phí, không hình thành cấp huyện thu nhỏ.
Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương được thực hiện theo quy định của Chính phủ, theo hướng đẩy mạnh phân cấp từ Chính phủ, các bộ, ngành cho chính quyền địa phương, phù hợp với năng lực và yêu cầu quản lý.
Về tổ chức đảng ở cấp tỉnh, cấp xã, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý chủ trương lập tổ chức đảng ở địa phương tương ứng với đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã; kết thúc hoạt động của đảng bộ cấp huyện. Mô hình tổ chức đảng ở cấp tỉnh cơ bản như hiện nay; tổ chức đảng ở xã, phường, đặc khu (gọi tắt là cấp xã), đảng bộ cấp xã là hạt nhân chính trị, lãnh đạo trực tiếp, toàn diện ở xã, phường, đặc khu...
Chỉ định cấp ủy những đảng bộ hợp nhất, sáp nhập
Đề cập đến những điểm mới của Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, đồng chí Lê Minh Hưng cho biết Chỉ thị số 45 cơ bản kế thừa những nội dung còn phù hợp đã nêu trong Chỉ thị số 35 và Kết luận số 118, đồng thời điều chỉnh bổ sung một số nội dung mới.
Theo đó, Chỉ thị số 45 đã bổ sung nội dung bối cảnh, tình hình Đại hội XIV của Đảng tổ chức vào đầu năm 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, sự kiện trọng đại của đất nước; là dấu mốc đặc biệt trên con đường phát triển, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc".
Đồng thời, là thời điểm tiến hành mạnh mẽ cuộc cách mạng toàn diện, đồng bộ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
|
Các đại biểu tại điểm cầu Diên Hồng |
Một điểm mới khác tại Chỉ thị số 45 được đồng chí Lê Minh Hưng đề cập là yêu cầu về công tác nhân sự phải chú trọng phát hiện, lựa chọn giới thiệu những cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ để tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Về nội dung đại hội, đồng chí Lê Minh Hưng cho biết, Chỉ thị số 45 quy định với những đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hợp nhất, sáp nhập; đảng bộ xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh (gồm cả các xã không sáp nhập, các xã thuộc diện hợp nhất, sáp nhập đã tổ chức đại hội) thì tổ chức đại hội với 2 nội dung. Bao gồm: Tổng kết việc thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 trên cơ sở nội dung nghị quyết đại hội của các đảng bộ, chi bộ trước khi hợp nhất, sáp nhập; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2025-2030 và thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, dự thảo văn kiện đại hội cấp trên trực tiếp.
"Các đảng bộ này không bầu Ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030; không bầu đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên. Ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy nhiệm kỳ khoá mới và phân bổ số lượng, chỉ định đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói.
Khẩn trương hoàn thiện dự thảo 4 văn kiện
Với các đảng bộ cấp xã không hợp nhất, sáp nhập, đồng chí Lê Minh Hưng cho hay nếu đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2025-2030, thì tổ chức hội nghị ban chấp hành để thảo luận các dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp theo quy định; căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục chỉ đạo rà soát, kiện toàn nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2030 và nhân sự đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên, bảo đảm theo đúng quy định.
Về việc hoàn thiện dự thảo văn kiện mới đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc diện sáp nhập, hợp nhất, Chỉ thị số 45 yêu cầu thực hiện theo kế hoạch hướng dẫn tại Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18.
Đồng chí Lê Minh Hưng cho biết, sau khi Hội nghị Trung ương 11 thông qua dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư chỉ đạo Văn phòng Trung ương Đảng khẩn trương hoàn thiện dự thảo 4 văn kiện gửi tới các đảng bộ cấp tỉnh để làm cơ sở cho địa phương nghiên cứu, tham gia đóng góp với Trung ương từ những vấn đề thực tiễn.
Các dự thảo văn kiện đã được cập nhật, bổ sung quan điểm, tư tưởng chỉ đạo rất mới sẽ là cơ sở để các cấp ủy, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo văn kiện của cấp mình./.
https://dangcongsan.vn/noidung/tintuc/Lists/XaydungDang/View_Detail.aspx?ItemID=3158