Đánh giá về ý nghĩa lịch sử to lớn của cao trào cách mạng 1930 - 1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”.
Tượng đài Xô viết - Nghệ Tĩnh (thị trấn Nghèn - Can Lộc- Hà Tĩnh) (Internet)
Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh
Cao trào cách mạng 1930-1931 diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản Pháp trút những hậu quả từ cuộc khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản (1929 - 1933) lên nhân dân các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam vốn hoàn toàn lệ thuộc vào kinh tế Pháp, càng phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ cuộc khủng hoảng: nông nghiệp nghèo nàn, công nghiệp suy sụp, xuất, nhập khẩu đình đốn, hàng hóa khan hiếm, giá cả đắt đỏ, đời sống nhân dân khó khăn, chính trị ngột ngạt, kinh tế điêu đứng… Những mâu thuẫn vốn có trong xã hội Việt Nam lại càng sâu sắc hơn, trong đó nổi lên ngày càng gay gắt là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp.
Ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng cùng với chính sách cai trị đàn áp khủng bố khốc liệt của đế quốc Pháp không làm nhụt tinh thần ý chí cách mạng của nhân dân ta, trái lại càng làm cho nhân dân ta thêm căm thù và quyết tâm tranh đấu giành quyền sống của mình. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã kịp thời lãnh đạo giai nhân dân vùng lên trong cuộc đấu tranh quyết liệt chống đế quốc xâm lược và phong kiến tay sai.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của nhân dân ngày càng trào dâng mạnh mẽ, với các nội dung đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện làm việc (Của công nhân), đòi giảm sưu thuế (của nông dân) với các hình thức: đình công, bãi công, biểu tỉnh… Từ tháng 9/1930, phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động ở cả Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ phát triển lên quy mô lớn với hình thức đấu tranh quyết liệt, đỉnh cao là cuộc đấu tranh bạo động dẫn tới sự ra đời của các Xô viết cấp xã tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Các chính quyền Xô viết đã thực hiện chức năng của chính quyền cách mạng. Về chính trị, phá bỏ bộ máy chính quyền của thực dân - phong kiến cùng những luật lệ của chính quyền đó, thực hiện quyền tự do, dân chủ cho nhân dân. Về kinh tế, thi hành nhiều biện pháp tích cực như tịch thu ruộng đất công, tiền, lúa công đem chia cho dân cày nghèo; bãi bỏ các thứ thuế vô ly như thuế thân, thuế chợ, thuế đò, thuế muối; xóa nợ cho người nghèo và thực hiện giảm tô. Về văn hóa, xã hội, quần chúng lao động được hưởng cuộc sống mới; sách báo và tài liệu cách mạng được phổ biến rộng rãi. Việc học chữ quốc ngữ được coi trọng…Vì vậy, trật tự trị an được giữ vững, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau cả trong sinh hoạt, sản xuất và đấu tranh ngày càng lên cao. Chính quyền Xô viết cũng tỏ rõ bản chất cách mạng và tính ưu việt của mình - thực sự là một chính quyền của dân, do dân và vì dân. Xô viết Nghệ - Tĩnh đã trở thành ngọn cờ quy tụ và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ quần chúng lao động trong cả nước.
Cao trào cách mạng 1930 - 1931, đặc biệt là phong trào Xô viết Nghệ -Tĩnh là một sự kiện lịch sử trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. So với các hình thức xô viết trong lịch sử thế giới: Công xã Pa-ri năm 1871(chỉ tồn tại trong 72 ngày), Công xã Quảng Châu năm 1927, Xô-viết Nga năm 1905, Xô - viết Ba-vi-e, Đức năm 1919 … Xô viết Nghệ - Tĩnh đã tồn tại trong bảy tháng và dù còn sơ khai nhưng đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công - nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử, đáp ứng với khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân nô lệ.
Đọ Xá, Chí Linh - Nơi thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Hải Dương (tháng 3/1930)
(Ảnh: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương, tập 1)
Tại Hải Dương, các chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ra đời và phong trào cách mạng những năm 1930-1931
Thời gian này, ở Hải Dương cũng xuất hiện các phòng trào dựa trên lập trường tư tưởng của giai cấp vô sản. Phong trào cách mạng đã sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin và ngày càng phát triển sâu rộng trong nhân dân. Công nhân đã vùng lên đấu tranh với chủ tư bản, tổ chức chặt chẽ và có kết quả hơn. Điển hình là cuộc đấu tranh đòi tăng lương của công nhân mỏ Mạo Khê năm 1925, công nhân nhà máy rượu ở thị xã Hải Dương đã bãi công, chống đối xử tàn nhẫn với công nhân.
Với sự hoạt động tích cực của các tổ chức Thanh niên và quần chúng cơ sở, phong trào cách mạng ở Hải Dương những năm 1928-1929 có những bước chuyển nhanh chóng. Từ năm 1928-1930, ở Hải Dương có tới hàng chục cuộc đấu tranh của nông dân đòi quan lại địa chủ giảm tô, giảm thuế, chia lại ruộng công, chống chiếm đoạt ruộng đất, chống phụ thu lạm bỏ, đòi tăng công làm thuê… phong trào bãi công cùa công nhân liên tiếp nổ ra, các cuộc đấu tranh bước đầu đã có mối liên hệ chặt chẽ và phát triển rộng khắp. Từ thực tế phong trào cách mạng ở Hải Dương cho thấy sự cần thiết phải có một tổ chức đảng thống nhất để lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và cao trào cách mạng 1930-1931 đã tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng Hải Dương. Ngay sau Hội nghị thành lập Đảng, Chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam ở khu mỏ Mạo Khê (Đông Triều) do đồng chí Nguyễn Văn Cừ thành lập vào tháng 2/1930 gồm 5 đồng chí do dồng chí Đặng Châu Tuệ làm Bí thư. Đầu tháng 3/1930, thành lập chi bộ Đảng cộng sản ở Đọ Xá (Chí Linh), đây là chi bộ đảng cộng sản đầu tiên ở Hải Dương. Mặc dù số lượng đảng viên còn ít nhưng các chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên xứng đáng là tổ chức, cơ sở và lực lượng ban đầu của Đảng bộ tỉnh Hải Dương sau này. Các chi bộ Đảng Cộng sản ở Hải Dương ra đời đúng lúc cách mạng trong nước dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương) phát triển cao trào rộng khắp toàn quốc.
Hưởng ứng cao trào Xô viết-Nghệ Tĩnh, phong trào đấu tranh của công-nông Hải Dương dâng lên mạnh mẽ, lan rộng khắp các nhà máy, hầm mỏ đến các vùng nông thôn. Tiêu biểu là phong trào đấu tranh của công nhân khu mỏ Mạo Khê, Tràng Bạch.
Cuối năm 1930, đầu năm 1931, Chi bộ Đảng Đọ Xá (Chí Linh) và các tổ chức Nông hội đỏ ở Hải Dương đã rải truyền đơn, kêu gọi nông dân đấu tranh chống địa chủ chiếm đoạt ruộng đất, chống phụ thu lạm bổ, chống quan lại cường hào ức hiếp, đòi khất nợ, giảm tô, khất tô. Chi bộ còn tổ chức treo cờ búa liềm ở chợ Chi Ngãi (Chí Linh), gây được ảnh hưởng tích cực đối với nhân dân.
Phong trào đấu tranh của giai cấp công - nông Hải Dương góp phần tạo nên thắng lợi của cao trào cách mạng 1930-1931 và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh trong cả nước.
Phong trào cách mạng 1930 - 1931 và đỉnh cao là Xô viết Nghệ tĩnh có ý nghĩa lịch sử to lớn, đã khẳng định quyến lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với cách mạng Việt Nam; xây dựng được khối liên minh giai cấp công nhân và giai cấp nông dân; góp phần giáo dục tư tưởng, giác ngộ cách mạng, rèn luyện tinh thần đấu tranh cho đảng viên và quần chùng, chuẩn bị lực lượng cho giai đoạn tiếp sau; khẳng dịnh tinh thần quốc tế vô sản của Đảng và giai cấp công nhân Việt Nam đối với sự nghiệp của giai cấp vô sản thế giới; để lại những kinh nghiệm lãnh đạo quý báu của Đảng, nhờ đó, Đảng có sự trưởng thành về lý luận và tích lũy thêm tri thức cách mạng. Đây chính là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, không chỉ đặt ra vấn đề liên minh công nông, vấn đề ruộng đất và dân cày, mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, vấn đề đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, từng bước tạo thế, lực, thời để dân tộc Việt Nam đi tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.