Đạo Công giáo tỉnh Hải Dương trực thuộc Giáo phận Hải Phòng, được chia ra thành 02 giáo hạt với 42 Giáo xứ, 79 họ đạo và hiện có 131 nhà thờ, nhà nguyện, 34 linh mục chính xứ, gần 42.000 giáo dân (chiếm 2,1% dân số toàn tỉnh). Ngoài ra, còn có trên 600 chức việc tham gia quản lý tổ chức tôn giáo cơ sở như: Hội đồng Giáo xứ, Ban hành Giáo xứ, Ban hành giáo họ và 490 tổ chức hội đoàn thường xuyên phục vụ lễ nghi tôn giáo.
5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp có hiệu quả của chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên, đồng bào Công giáo trong tỉnh chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh tế - xã hội, kinh doanh dịch vụ, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo trang nghiêm, đúng tôn chỉ của tôn giáo và quy định của Nhà nước.
Trong phát triển kinh tế, đồng bào Công giáo tỉnh nhà đã tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Nhiều hộ gia đình giáo dân đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống cây, con có năng xuất, chất lượng cao vào sản xuất, chăn nuôi, tăng năng xuất lao động. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình giáo dân đã duy trì và phát triển mô hình ngành, nghề truyền thống, kinh doanh và phát triển dịch vụ mang lại nguồn thu nhập lớn, giải quyết việc làm cho nhiều người lao động, làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước. Điển hình tại huyện Tứ Kỳ có mô hình dịch vụ giao thông vận tải của gia đình giáo dân Phạm Thị Viển, mô hình xưởng may mặc của gia đình giáo dân Nguyễn Thị Dung cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm và tạo nhiều việc làm cho lao động tại đia phương. Một số gia đình giáo dân trên địa bàn thành phố Chí Linh như hộ ông Khúc Kim Độ, phường Đồng Lạc thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết với một số hộ khác canh tác cấy lúa với diện tích trên 10 ha; mô hình vườn, ao, chuồng của hộ ông Nguyễn Văn Hội, Nguyễn Văn Hào, phường Cổ Thành hàng năm thu lãi từ 200 đến 400 triệu đồng...
Cùng với thi đua phát triển kinh tế, các giáo xứ, họ đạo trong tỉnh tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động và các phong trào thi đua mang đặc trưng riêng của đồng bào Công giáo. Nổi bật là phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh” do Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", bà con giáo dân tại các giáo xứ, họ đạo đã tự nguyện đóng góp ủng hộ tiền của, công sức, hiến đất làm đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc. Tiêu biểu như các giáo xứ trên địa bàn huyện Nam Sách đã hiến gần 10 nghìn m² đất, 876m tường rào, 500 ngày công để làm mới trên 20 nghìn m² đường bê tông, 2.400m kênh mương nội đồng với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. Các giáo xứ huyện Tứ Kỳ đã huy động trên 3 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Đồng bào Công giáo huyện Thanh Miện đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, hiến hàng nghìn m² đất để làm đường ra đồng, đường thôn xóm, đóng góp trên 1.300 ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới...
Với phương châm "Sống tốt đời đẹp đạo", phát huy truyền thống "Uống nước, nhớ nguồn", "Thương người như thể thương thân"… chức sắc, chức việc và đồng bào Công giáo trong tỉnh tích cực tham gia đóng góp vào công tác đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, ủng hộ công tác phòng, chống Covid-19, ủng hộ đồng bào bị thiên tai bão lũ, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, chung tay cùng các cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác an sinh xã hội. Điển hình như, giáo xứ Đồng Xá, huyện Kim thành vận động vận động đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” do Ủy ban MTTQ xã phát động với tổng số tiền 88 triệu đồng; giúp 8 hộ thoát nghèo, hỗ trợ xây 3 căn nhà tình nghĩa với số tiền 150 triệu đồng. Xứ đạo Văn Mạc, xã Liên Mạc (huyện Thanh Hà) trao tặng 152 suất quà với số tiền là trên 45 triệu đồng cho họ nghèo, người cao tuổi nhân dịp Tết Nguyên đán; trao 389 suất quà với số tiền trên 42 triệu đồng cho cho các cháu nhân dịp Tết Trung thu. Các giáo xứ huyện Bình Giang tặng quà cho các gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó, ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trị giá trên 500 triệu đồng...
Đồng bào giáo dân ủng hộ phòng chống Covid-19
Cùng với đó, các vị chức sắc, chức việc, đồng bào Công giáo tỉnh luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; thực hiện tốt Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, các quy định của pháp luật như nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ quân sự, quản lý sử dụng đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự, bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội… Nhiều xứ đạo, họ đạo thành lập mô hình tự quản "Làng an toàn, khu dân cư an toàn về an ninh trật tự", "Tiếng kẻng an ninh", "Tổ an ninh tự quản", "Tổ tự quản bảo vệ môi trường"…, đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn dân cư. Nhiều hộ gia đình Công giáo đạt danh hiệu "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền". Hằng năm có 89 đến 96% gia đình Công giáo được công nhận là gia đình văn hóa.
Bên cạnh đó, đồng bào Công giáo của tỉnh còn tích cực tham gia xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh. Nhiều vị chức sắc, chức việc và giáo dân tham gia đại biểu HĐND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, toàn tỉnh có 155 vị chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia ứng cử HĐND các cấp. Kết quả có 95 vị chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trúng cử HĐND các cấp. Trong đó, cấp tỉnh có 03 vị (02 Phật giáo, 01 Công giáo); cấp huyện có 10 vị (09 Phật giáo; 01 Công giáo); cấp xã có 82 vị (14 Phật giáo, 68 Công giáo). Đặc biệt, nhiều đồng bào Công giáo có uy tín đã tham gia giữ những vị trí chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương, cơ sở, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Với những kết quả thành tích đạt được, đồng bào công giáo tỉnh tích cực góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thiết thực hưởng ứng phong trào chung tây xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu xây dựng tỉnh Hải Dương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh, MTTQ các cấp trong tỉnh cần tiếp tục tăng cường mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương giáo. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương đến các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư cũng như đồng bào công giáo trong tỉnh. Tuyên truyền vận động, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước và MTTQ, các đoàn thể phát động. Cảnh giác trước mọi âm mưu của các thế lực thù địch, lợi dụng tôn giáo để chia rẽ phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo", xây dựng "Xứ họ tiên tiến", "Gia đình công giáo gương mẫu"... Nâng cao lòng yêu nước bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất, công tác và học tập; tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của tỉnh.
Phát huy truyền thống “đền ơn đáp nghĩa” tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, đẩy mạnh các chương trình an sinh xã hội, hoạt động từ thiện, nhân đạo,; trong đó, đặc biệt quan tâm giúp đỡ những gia đình có công, những người cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, khuyết tật… Giám sát việc thực hiện chính sách tôn giáo, đảm bảo quyền và lợi ích hợp phát của nhân dân, tăng cường và củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Chú trọng thực hành dân chủ, giữ vững kỷ cương, sống và làm việc theo Hiến pháp và phát luật; bảo đảm trong giáo xứ, họ đạo không có tệ nạn xã hội, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, mâu thuẫn nội bộ được giải quyết tốt. Tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...