Thứ tư, ngày 24/4/2024

Hội Cựu chiến binh các cấp tỉnh Hải Dương với phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Thứ Ba 07/09/2021 16:52

Xem với cỡ chữ
Trong 5 năm qua, phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã được các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh tích cực đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động, qua đó đã xuất hiện nhiều nhân tố mới, mô hình tiêu biểu, cách làm hay, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Điểm nổi bật trong tổ chức thực hiện phong trào "Dân vận khéo" của các cấp Hội CCB trong tỉnh thời gian qua là đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, của tỉnh và nhiệm vụ của tổ chức Hội để chọn hình thức dân vận khéo phù hợp. Các cấp Hội CCB đã lựa chọn xây dựng các mô hình "Dân vận khéo" gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động, đặc biệt là phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Bằng nhiều biện pháp thiết thực, hình thức phong phú đa dạng, phong trào được các cấp Hội CCB trong tỉnh triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia . Từ các hoạt động đơn lẻ, phân tán ban đầu, đã từng bước liên kết tạo nên các nhóm, Câu lạc bộ, đến việc thành lập Hội, liên doanh, liên kết giúp nhau phát triển kinh tế ở nhiều quy mô, cấp độ, chia sẻ kinh nghiệm, bảo vệ  quyền và lợi  ích hợp pháp của các thành viên.

Để phong trào triển khai thực hiện có hiệu quả, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên nắm vững và đồng thuận với mục tiêu, nhiệm vụ công tác dân vận; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương của các cấp ủy đảng, chính quyền về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; vận động hội viên nêu cao bản chất truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, tự lực, tự cường, có ý chí vươn lên, dám nghĩ, dám làm, phát huy mọi tiềm năng, tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giúp nhau giảm nghèo và làm giầu hợp pháp, chính đáng.

Qua triển khai thực hiện phong trào, nhiều gia đình CCB trong tỉnh đã tích cực chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào chăn nuôi, trồng trọt, mở rộng quy mô, mạnh dạn vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh làm giàu hợp pháp; đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh do hội viên CCB làm chủ như các mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại…, qua đó tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và giúp đỡ hàng trăm hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.

Đại diện Hội CCB và Hội Doanh nhân CCB huyện Tứ Kỳ ký kết quy chế phối hợp công tác

Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 436 doanh nghiệp; 654 HTX, Tổ hợp tác; 2.594 trang trại; 2.210 gia trại; 3.041 hộ kinh doanh dịch vụ do CCB làm chủ; hàng năm thu hút trên 20 ngàn lao động, trong đó gần 50% là CCB, Cựu quân nhân (CQN) và con CCB. Số lượng các doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, trang trại, gia trại, hộ kinh doanh dịch vụ năm 2021 đều tăng về số lượng và có sự phát triển mở rộng về quy mô sản xuất, thu hút được nhiều việc làm; tổng doanh thu của các doanh nghiệp, doanh nhân CCB trong tỉnh đạt trên 6.500 tỷ đồng/năm; lợi nhuận trên 350 tỷ đồng/năm; trong đó có 01 doanh nghiệp CCB doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm; 01 doanh nghiệp doanh thu trên 500 tỷ đồng/năm; 22 doanh nghiệp có doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm; 27 doanh nghiệp có doanh thu trên 50 tỷ đồng/năm và hàng trăm trang trại, gia trại có doanh thu từ 1 đến 10 tỷ đồng/năm trở lên.

Bên cạnh đó, các mô hình Câu lạc bộ “CCB giúp nhau giảm nghèo” được thành lập đa dạng, phong phú , đã thành lập được 120 Câu lạc bộ với nhiều loại hình như: CLB nuôi trồng thủy sản, CLB chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm; CLB trồng rau, củ, quả ...  theo phương pháp khoa học, vệ sinh an toàn thực phẩm; có nhiều mô hình Câu lạc bộ chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa năng suất thấp sang nuôi thủy sản, gia cầm, thủy cầm; mô hình chuyển đổi đất đồi, cây tạp sang trồng cây ăn trái có chất lượng cao; mô hình “sông trong ao”, “mô hình ao nổi”; mô hình sinh vật cảnh, mô hình làng nghề truyền thống, mô hình góp vốn xoay vòng... giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động là con CCB, CQN...

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu và Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Nguyễn Quang Phúc

tặng quà các CCB tiêu biểu (Ngày 12/7/2017)

Điểm mới là các mô hình Câu lạc bộ của CCB đều gắn với chương trình Ocop mỗi xã một sản phẩm, nhiều sản phẩm của CCB được công nhận Ocop 3 sao, 4 sao; nhiều sản phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt của CCB được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Vietgap và đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, sức cạnh tranh và số lượng bán ra thị trường tăng cao; đã xuất hiện những gương điển hình tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh tiêu biểu như: Ông Nguyễn Khắc Vinh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp CCB tỉnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp- Doanh nhân, CCB, CQN huyện Kim Thành, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Hòa Việt Nam, chuyên xây dựng và kinh doanh tổng hợp; doanh thu trên 400 tỷ đồng/năm; bà Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp CCB tỉnh, Chủ tịch Hội DN- Doanh nhân, CCB, CQN Thị xã Kinh Môn, Giám đốc công ty Bình Minh, chủ trang trại kinh doanh Đà Điểu và các dự án khu đô thị; doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm. Điển hình tiêu biểu trong bảo vệ môi trường như ông Hoàng Minh Đức, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp, doanh nhân CCB, CQN huyện Ninh Giang, với 60 công nhân, 24 xe đẩy, 03 xe ô tô chuyên dùng, và một số phương tiện dụng cụ; công ty đảm nhiệm thu gom trên 25 km đường làng, ngõ phố của toàn bộ diện tích thị trấn với khối lượng thu gom mỗi ngày hàng chục tấn rác thải. Năm 2014 CCB Hoàng Minh Đức được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và được đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2016-2021...

Cùng với việc phát triển sản xuất kinh doanh, phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, gắn bó tình đồng chí, đồng đội, 5 năm qua, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên quyên góp và huy động kinh phí từ các nguồn lực xã hội hóa để tổ chức các hoạt động tình nghĩa với tổng số tiền là 26,2 tỷ đồng; đã ủng hộ xây mới, sửa chữa 158 nhà “Nghĩa tình đồng đội”  với số tiền trên 8 tỷ đồng; ủng hộ quỹ vì người nghèo trên 4,5 tỷ đồng; hội viên bị nhiễm chất độc da cam/dioxin 500 triệu đồng; quỹ khuyến học 3,2 tỷ đồng; ủng hộ quỹ phòng chống Covid-19 và quỹ Vắcxin trên 10 tỷ đồng.

Với sự linh hoạt, đa dạng, phong phú trong các hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế của Hội CCB các cấp, đời sống của cán bộ, hội viên CCB trong tỉnh ngày càng được nâng lên. Trong 5 năm, tỉ lệ CCB thuộc hộ nghèo của tỉnh giảm tỷ lệ từ 1,99% (năm 2016) xuống còn 0,34% (năm 2021); hộ cận nghèo từ 2,42% (năm 2016) giảm còn 1,2% (năm 2021); hộ khá và giàu tăng từ 66,35% (năm 2016) lên 70,83% (năm 2021). Điển hình như: Hội CCB TP Hải Dương, các huyện Gia Lộc, Nam Sách, Kim Thành, Bình Giang.

Lãnh đạo Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng cờ thi đua cho Hội CCB tỉnh Hải Dương

  Với những thành tích đã đạt được trong 5 năm qua, Hội CCB tỉnh và các tập thể cá nhân tiêu biểu đã được: Chính phủ tặng Cờ thi đua cho Hội CCB tỉnh;   BCH Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng Cờ thi đua cho 12 lượt tập thể, tặng Bằng khen cho 65 lượt tập thể và 47 lượt cá nhân; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 13 lượt tập thể và 16 lượt cá nhân; BCH Hội CCB tỉnh tặng Bằng khen cho 418 lượt tập thể và 438 lượt cá nhân. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/2020), đã có 1 tập thể và 2 cá nhân được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo” giai đoạn 2016 – 2020.

Nguyễn Thị Quyên - Ban Dân vận Tỉnh ủy

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: