Thứ năm, ngày 21/11/2024

Hải Dương: Đẩy mạnh các giải pháp cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp

Thứ Hai 18/11/2024 10:09

Xem với cỡ chữ
Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 15/11/2024 về việc đẩy mạnh các giải pháp cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Theo đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nội dung công việc sau đây:

1. Tập trung, ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện có kết quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính theo Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 17/01/2024 và các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đã giao phải hoàn thành trong năm 2024.

2. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh (nếu có), chủ động tham mưu UBND tỉnh đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý, làm phát sinh chi phí tuân thủ, nhất là của người dân, doanh nghiệp. Tăng cường phân cấp, ủy quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi công vụ ở các cấp, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc trong thực hiện thủ tục hành chính, chấm dứt tình trạng trễ hạn khi giải quyết thủ tục hành chính.

3. Đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Không đùn đẩy, né tránh, xin ý kiến cấp trên đối với công việc thuộc thẩm quyền của mình gây tốn kém chi phí, thời gian đi lại của người dân và doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước. Thực hiện nghiêm việc báo cáo giải trình, xin lỗi người dân, doanh nghiệp và kịp thời khắc phục đối với các trường hợp để xảy ra chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị mình chủ trì giải quyết; xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện ngoài quy định hoặc để tình trạng hồ sơ trễ hạn nhiều lần hoặc có nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính.

4. Công khai đầy đủ, chính xác, kịp thời thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, trang thông tin điện tử của cơ quan và niêm yết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã để người dân, doanh nghiệp biết, tìm hiểu, thực hiện và giám sát, đánh giá việc thực hiện.

5. Đảm bảo số hóa 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, của Văn phòng Chính phủ tại Thông tư số 01/2023/TT-VPCP; gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức từ khâu tiếp nhận, giải quyết đến trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Không được yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa hoặc chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).

6. Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý. Đảm bảo đưa 100% thủ tục hành chính ra thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp; 100% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết phải được tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và phải được liên thông điện tử, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

7. Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết, công khai kịp thời các kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp: Giải quyết, kiến nghị xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; chấm dứt tình trạng không trả lời hoặc trả lời chung chung, không cụ thể, thiếu rõ ràng, dứt khoát, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

8. Thường xuyên tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương, kết quả cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, trong đó cần phát huy vai trò của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến có hiệu quả...

VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: