Thứ sáu, ngày 22/11/2024

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau tiếp xúc đối thoại

Thứ Ba 14/05/2024 14:35

Xem với cỡ chữ
Những năm qua, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, Tỉnh ủy xác định việc tổ chức tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân là nội dung quan trọng, yếu tố then chốt trong việc thực hành dân chủ, góp phần thực hiện hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đặc biệt tăng cường chỉ đạo cấp ủy các cấp thực hiện tốt công tác công tác kiểm tra, giám sát sau tiếp xúc đối thoại, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân là một trong những diễn đàn trao đổi, thảo luận dân chủ, kênh thông tin quan trọng, là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân để đi đến thống nhất và tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đồng thời, thông qua hoạt động tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, cấp ủy, chính quyền có sự thay đổi về nhận thức, phương thức lãnh đạo, điều hành quản lý. Phát huy những kết quả tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân nhiệm kỳ trước, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Quy chế số 03-QC/TU ngày 18/3/2021 về tiếp xúc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân ( bổ sung, sửa đổi từ Quy chế số 1363-QC/TU, ngày 15/01/2015, Quy chế số 08-QC/TU, ngày 03/01/2018, thành Quy chế số 03-QC/TU).

Trên cơ sở đó, hằng năm, cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh đều lãnh đạo xây dựng kế hoạch tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân ; ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cơ quan chức năng chuẩn bị các nội dung, điều kiện đảm bảo để tổ chức tiếp xúc, đối thoại đạt hiệu quả; chỉ đạo các bộ phận giúp việc của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ trong công tác đối thoại; phân công cán bộ lãnh đạo Ban Dân vận cấp ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tham dự, chỉ đạo hội nghị tiếp xúc, đối thoại của cấp dưới. Đồng thời giao Ban Dân vận cấp ủy tham mưu, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo kết quả tiếp xúc, đối thoại và thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Đặc biệt, tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện sau tiếp xúc, đối thoại tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại để kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót và đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện hiệu quả Quy chế 03-QC/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; từng bước đổi mới nội dung, phương pháp tiếp xúc, đối thoại phù hợp với tình hình của từng địa phương, cơ sở.

Đồng chí Phạm Văn Khảnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy tiếp xúc, đối thoại với nhân dân xã Ninh Hải  

Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, đơn vị, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 1.109 hội nghị tiếp xúc, đối thoại định kỳ và đột xuất, trong đó cấp tỉnh 2 cuộc; cấp huyện 70 cuộc, cấp xã 1.037 cuộc. Tổng số ý kiến được tập hợp là 14.504 ý kiến, trong đó cấp tỉnh 247; cấp huyện 2.672, cấp xã 11.585 ý kiến; ý kiến phát biểu tại cuộc họp là 12.067 ý kiến.

Đoàn Giám sát của Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Văn Phú, Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy – Trưởng đoàn, giám sát việc thực hiện Quy chế 03-QC/TU tại huyện Tứ Kỳ (Ảnh: Nguồn Báo Hải Dương)

Toàn tỉnh, đã tổ chức được 28 cuộc kiểm tra, giám sát sau tiếp xúc, đối thoại đối với 67 tập thể và 51 cá nhân là người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền cấp huyện, cấp xã (cấp tỉnh: 3 cuộc; cấp huyện và cơ sở: 25 cuộc). Ngoài ra, việc tổ chức giám sát việc thực hiện tiếp xúc, đối thoại còn thông qua phân công cán bộ trực tiếp dự các hội nghị tiếp xúc, đối thoại và báo cáo kết quả việc thực hiện Quy chế 03-QC/TU; kiểm tra công tác dân vận hàng năm có lồng ghép nội dung về việc thực hiện Quy chế 03-QC/TU đối với các địa phương, cơ quan, đơn vị; giao MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp tiến hành giám sát việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau tiếp xúc, đối thoại .

Qua kết quả các cuộc kiểm tra, giám sát nhận thấy, các nội dung theo Quy chế 03-QC/TU đã được các địa phương, đơn vị trong tỉnh thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất. Công tác phối hợp tham mưu giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tổ chức tiếp xúc, đối thoại cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Công tác nắm bắt tình hình nhân dân, dư luận xã hội được quan tâm; việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị trước khi tổ chức tiếp xúc, đối thoại được thực hiện nghiêm túc. Phần lớn các cuộc tiếp xúc, đối thoại ở các địa phương thực hiện cơ bản khoa học, lựa chọn địa bàn tổ chức tiếp xúc, đối thoại phù hợp thực tiễn, có tính ưu tiên những địa bàn nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm được nhân dân quan tâm để tiếp xúc, đối thoại thường xuyên, chuyên đề hoặc đột xuất. Đa số các ý kiến, kiến nghị của nhân dân được người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp trả lời và chỉ đạo các cơ quan chức năng trả lời, giải quyết làm rõ tại hội nghị. Từ năm 2021 đến nay, cấp huyện, đã trả lời, giải quyết được 2.553/2.672 (đạt 95,5%) tổng số ý kiến, kiến nghị. Số ý kiến, kiến nghị chưa được trả lời, giải quyết tại hội nghị là 119 ý kiến, kiến nghị trong đó thuộc thẩm quyền của Trung ương là 3 ý kiến, kiến nghị; thuộc thẩm quyền cấp tỉnh là 21, cấp huyện là 74 và cấp xã là 21 ý kiến, kiến nghị. Cấp xã đã giải quyết, trả lời trực tiếp tại hội nghị được 11.187 ý kiến; chưa trả lời tại hội nghị 398 ý kiến. Các ý kiến chủ yếu tập trung trên các lĩnh vực: Quản lý nhà nước về đất đai; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án; việc giải quyết đất dôi dư, xen kẹp, đấu thầu, chuyển nhượng đất; các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, xây dựng sản phẩm OCOP; ô nhiễm môi trường nước, rác thải sinh hoạt; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất các trường học...Đến nay, các ý kiến, kiến nghị của nhân dân ở cấp xã theo tổng hợp đã được các cấp có thẩm quyền trả lời, giải quyết xong.

Có thể khẳng định, công tác tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh còn có một số hạn chế nhất định như: Công tác phối hợp ở một số phòng, ban chuyên môn cấp huyện có nơi chưa tích cực; việc trả lời ý kiến, kiến nghị của nhân dân còn chung chung, chưa rõ nội dung dẫn đến người dân có ý kiến, kiến nghị nhiều lần . Sau tiếp xúc, đối thoại, một số cơ quan tham mưu chậm ban hành văn bản đề nghị cấp trên xem xét, giải quyết các ý kiến, kiến nghị vượt thẩm quyền. Công tác phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở trong nắm bắt tình hình, dư luận nhân dân và tuyên truyền trước hội nghị tiếp xúc đối thoại ở một số nơi còn hạn chế nên số lượng người dân tham dự hội nghị còn ít, chủ yếu là cán bộ hưu trí, người cao tuổi nên chưa phản ánh hết tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đối thoại. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số xã, phường, thị trấn hiệu quả chưa cao, có nơi tổ chức còn hình thức. Một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã còn có biểu hiện né tránh tiếp xúc, đối thoại ở những nơi có nhiều bức xúc, nổi cộm, chưa chuẩn bị chu đáo về nội dung tiếp xúc, đối thoại nên trả lời còn dàn trải, chưa trọng tâm, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Một số đơn vị cấp xã không ban hành, hoặc chậm ban hành thông báo kết luận sau tiếp xúc, đối thoại nên ý kiến, kiến nghị của nhân dân chưa được giải quyết kịp thời dẫn đến nhân dân tiếp tục kiến nghị tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại cấp huyện. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận của người chủ trì trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của nhân dân sau tiếp xúc, đối thoại còn hạn chế nên có việc chậm được giải quyết...

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại và xử lý, giải quyết kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại nhằm tạo sự đồng thuận, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương xác định cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quy chế 03-QC/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức tổ chức tiếp xúc, đối thoại, nâng cao chất lượng tiếp thu, trả lời và giải quyết các ý kiến, kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân đối với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp. Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện kết luận của người chủ trì sau các hội nghị tiếp xúc, đối thoại; coi trọng chất lượng, hiệu quả, tiến độ giải quyết các kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân, đặc biệt là phát huy vai trò kiểm tra, giám sát sau tiếp xúc, đối thoại của các cấp ủy đảng, chính quyền.

Nguyễn Thị Quyên - Ban Dân vận Tỉnh ủy

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: