Chủ nhật, ngày 24/11/2024

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 55

Thứ Bảy 26/02/2022 15:14

Xem với cỡ chữ
Ngày 25/02/2022, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 55 nghe và cho ý kiến vào một số nội dung.

 

Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị lần thứ 55 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Cùng dự có các đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Bí thư các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc; một số sở, ban, ngành, đoàn thể  của tỉnh.

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe Ban Dân vận Tỉnh ủy báo cáo sửa đổi, bổ sung Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Hải Dương; Đoàn giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân; Ban Cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 đối với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện.

Phát biểu kết luận, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương Ban Dân vận Tỉnh ủy tích cực xây dựng dự thảo Quy chế. Cơ bản nhất trí với báo cáo sửa đổi, bổ sung Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao lại Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp thu các ý kiến tham gia, hoàn chỉnh dự thảo Quy chế theo đúng tinh thần “5 rõ”; bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2022. Đồng thời, yêu cầu Quy chế phải phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng cơ quan trong hệ thống chính trị trên cơ sở đánh giá hiệu quả công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần giải quyết tốt những vấn đề từ khi phát sinh từ cơ sở. 

Với Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng khẳng định: Việc tổ chức thực hiện Quy chế số 08-QC/TU, nay là Quy chế số 03-QC/TU về tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nền nếp; nhìn chung người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã thực hiện khá nghiêm túc; chất lượng, hiệu quả của việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại từng bước được nâng lên; việc tiếp thu, chỉ đạo giải quyết những vấn đề mà người dân kiến nghị ngày càng tốt hơn - về cơ bản là đáp ứng được mong muốn của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn có hạn chế do dịch Covid-19 gây khó khăn cho việc tổ chức các hội nghị; cho nên số lượng tổ chức các hội nghị chưa nhiều. Một số người đứng đầu cấp xã chưa thực hiện theo đúng quy định; kỹ năng tiếp xúc đối thoại với người dân của người đứng đầu chưa tốt. Trách nhiệm và hiệu quả việc giải quyết các kiến nghị của người dân của một số cơ quan chức năng chưa kịp thời, chưa hiệu quả; một số cán bộ, công chức có thái độ chưa đúng mực với người dân.. 

Để nâng cao chất lượng của các cuộc tiếp xúc, đối thoại, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị-xã hội các cấp, các cơ quan báo chí của tỉnh tăng cường tuyên truyền rộng rãi quy chế để đảng viên, nhân dân nắm được, hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện quy chế là phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao hiệu quả công tác dân vận theo hướng gần dân, trọng dân.

Giao Ban Dân vận Tỉnh ủy trên cơ sở kết quả cuộc giám sát và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn của việc tổ chức thực hiện Quy chế - ban hành hướng dẫn để cụ thể hoá các nội dung quy chế chưa nêu rõ theo tinh thần 5 rõ , xác định trình tự, cách thức để thực hiện việc tiếp xúc, đối thoại hiệu quả hơn. Các địa phương cần đa dạng hóa các loại hình tiếp xúc, đối thoại: theo địa bàn hành chính; tiếp xúc, đối thoại chuyên sâu theo nhóm đối tượng. Làm thật tốt công tác chuẩn bị cho cuộc tiếp xúc, đối thoại: nhất là việc nắm bắt, nghiên cứu về các vấn đề bức xúc, phức tạp mà người dân dự kiến sẽ nêu ra tại buổi tiếp xúc. Cần đổi mới việc tổ chức buổi tiếp xúc, đối thoại theo hướng phát huy dân chủ, tạo không khí cởi mở để người dân không chỉ nêu các kiến nghị mà còn đóng góp ý kiến cho cấp ủy, chính quyền về giải pháp giải quyết các vấn đề bức xúc, bất cập đặt ra. Đồng thời, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải trao đổi lại về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước để tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân. Cần nâng cao hiệu quả việc tiếp thu, giải quyết, trả lời các kiến nghị của người dân: Sau tiếp xúc, đối thoại chậm nhất là 3 ngày phải có thông báo kết luận; phân công rõ ràng cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo tinh thần 5 rõ; từng ý kiến kiến nghị xác đáng của người dân đều phải được trả lời rõ ràng; quy rõ trách nhiệm cho cán bộ có trách nhiệm giải quyết. Phải tiến hành giám sát việc giải quyết sau tiếp xúc, đối thoại; xử lý nghiêm cán bộ không thực hiện nghiêm túc giải quyết kiến nghị của cử tri. Nâng cao thái độ, trách nhiệm, tác phong, thái độ của cán bộ, công chức khi tiếp thu giải quyết các kiến nghị của người dân; cần tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức toàn tỉnh.

Đối với báo cáo kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 đối với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung thảo luận, phân tích, nêu bật kết quả và chỉ rõ hạn chế, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, thị xã. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo tiếp thu ý kiến tham gia, hoàn thiện báo cáo trong đó chỉ rõ những đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, có chỉ số cải cách hành chính thấp, xác định rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu…

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh cần có các giải pháp đồng bộ để khắc phục những hạn chế; Tổ chức Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính vào đầu tháng 3/2022; công khai trên các phương tiện đại chúng để người dân, doanh nghiệp biết được. Các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện có các chỉ số cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số thấp dưới 75% tổng số điểm phải báo cáo giải trình làm rõ nguyên nhân. Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện phải đăng ký công việc sáng tạo, đột phá năm 2022 để tập trung, quyết liệt cải thiện chỉ số cải cách hành chính...

Trần Linh

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: