Thứ năm, ngày 9/5/2024

Kết quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện Nam Sách

Thứ Ba 25/08/2020 08:10

Xem với cỡ chữ
5 năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Nam Sách triển khai sâu rộng, hiệu quả với nhiều nội dung, phương thức ngày càng đa dạng, phong phú. Kết quả 5 năm, toàn huyện đã có 949 tập thể, cá nhân đăng ký thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, qua bình xét đã có 802 mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo nên những tác động tích cực, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trên địa bàn huyện.

Ban Thường vụ Huyện uỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn  2016 - 2020 trong toàn hệ thống chính trị gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện dân chủ ở cơ sở... Đặc biệt, phong trào “Dân vận khéo" đã gắn với thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, qua đó đã mang lại những động lực mới, phát huy mọi nguồn lực của xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân. Qua 5 năm triển khai thực hiện, n hiều mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả tích cực trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị; nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến đã xuất hiện và được nhân rộng trên địa bàn huyện. Cụ thể là:

Trên lĩnh vực kinh tế: C ó 393 mô hình, trong đó có 16 mô hình, điển hình được các cấp biểu dương, khen thưởng . Tiêu biểu là các mô hình “Dân vận khéo” trong sản xuất kinh doanh như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng trang trại, dịch vụ nhằm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, khuyến khích sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Đặc biệt, phong trào đã bắt đầu tập trung đi vào các lĩnh vực mới, đòi hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, có hiệu quả kinh tế và phạm vi tác động rộng, thực hiện liên doanh, liên kết, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa..., qua đó góp phần không nhỏ vào kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện; diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện thay đổi rõ rệt, đã có 18/18 xã đạt xã nông thôn mới, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, năm 2019 huyện được công nhận huyện nông thôn mới.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Trung ương  trao bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 cho huyện Nam Sách

   Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội Có 193 mô hình, trong đó có 8 mô hình, điển hình đã được biểu dương cấp huyện . Các mô hình được gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ph ong trào "Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khoẻ nhân dân" , Ngày “Vì người nghèo”, “Lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “xanh - sạch - đẹp”, nâng cao chất lượng giáo dục, đã tạo đồng thuận cao trong xây dựng đời sống văn hoá mới; xoá bỏ được nhiều tập tục lạc hậu, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân . N ăm  2019, toàn huyện có 90/93 làng, khu dân cư đạt danh hiệu "Làng, khu dân cư văn hoá”, đạt tỷ lệ 96,7%; có 88,2% gia đình đạt gia đình văn hoá; 87,5% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Việc thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, đã góp phần cùng với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao chất lượng các chỉ tiêu phát triển giáo dục, y tế; đồng thời, thúc đẩy các phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc, các cấp, các ngành từng bước đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả tích cực.

Các chiến sĩ cùng hội viên phụ nữ dọn vệ sinh môi trường tại đường hoa phụ nữ xã Nam Chính

Trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng: Có 26 mô hình, trong đó có 2 mô hình, điển hình đã được biểu dương cấp huyện. Các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt quy chế phối hợp với các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên, công nhân viên chức lao động, sỹ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; nắm chắc tình hình nhân dân, xây dựng lực lượng nòng cốt, kịp thời đề xuất, xử lý có hiệu quả các vụ, việc phức tạp phát sinh ở cơ sở. Tiêu biểu như các mô hình: “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự”, “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”, “Xây dựng xã không có tội phạm và tệ nạn ma túy” được duy trì và thực hiện có hiệu quả. Công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm được thực hiện tốt. Công tác quốc phòng được củng cố , xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, tuyên truyền vận động công dân nhập ngũ, hàng năm tuyển đủ số lượng và chất lượng giao quân.

Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị: Có 106 mô hình, điển hình, trong đó có 3 điển hình cá nhân đã được biểu dương cấp huyện. Các mô hình “Dân vận khéo” gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vận động nhân dân tham gia ý kiến đối với các chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến cuộc sống người dân; mở rộng hình thức tiếp xúc cử tri (tại nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực, theo đối tượng và cá nhân hoặc nhóm cử tri...); vận động nhân dân thực hiện việc chia tách thôn, tăng cường đồng thuận, mở rộng dân chủ, phát huy tốt hơn trách nhiệm của cử tri và nhân dân trong việc tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, phản ánh kiến nghị của cử tri. Cơ quan hành chính nhà nước xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt mô hình “Một cửa”, xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường công tác tiếp dân, công tác tiếp xúc đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong nhân dân. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới, hướng về cơ sở, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tổ chức và thực hiện tốt các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư; thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Nam Sách những năm qua còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác chỉ đạo, thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" ở một số xã, cơ quan, đơn vị chưa tập trung, quyết liệt; công tác tuyên truyền, vận động chưa đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả chưa cao; chưa có nhiều phương thức sáng tạo trong việc huy động nguồn lực trong nhân dân. Nhận thức của một bộ phận nhân dân, đoàn viên, hội viên về xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ, sâu sắc nên vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Việc phát hiện, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân vận còn ít, chất lượng chưa cao.

Thời gian tới, để phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục lan tỏa, mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực cho nhân dân, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể huyện Nam Sách xác định cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện các kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, trọng tâm là Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nâng cao trách nhiệm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Tăng cường công tác dân vận của các cấp chính quyền nhằm phát huy dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; kịp thời phổ biến chính sách, pháp luật đến với nhân dân; xây dựng phong cách người cán bộ, công chức, viên chức “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Tiếp tục phát động các tập thể, cá nhân đăng ký mô hình "Dân vận khéo" hằng năm gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phong trào thi đua lao động sản xuất và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; “Khéo” nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tích cực chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tiếp tục p hát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể nhân dân trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Nguyễn Thị Quyên - Ban Dân vận Tỉnh ủy

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: