Qua tiếp dân, đọc báo, nhất là báo Hải Dương, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đức Thắng đã chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ nhiều công việc, vướng mắc cụ thể.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng khảo sát dự án đầu tư tại huyện Kim Thành (ảnh tư liệu)
Tỉnh Hải Dương có diện tích tự nhiên không lớn, nhưng có tới hơn 2,1 triệu dân. Vì vậy yêu cầu phát triển đặt ra rất cấp thiết.
Báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định, bên cạnh những kết quả đạt được khá toàn diện còn nhiều khó khăn thách thức. Đó là một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh như: tăng trưởng kinh tế (GRDP), thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách…
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của Hải Dương so với một số tỉnh trong vùng đang có dấu hiệu chậm lại. Nguy cơ tụt hậu đang hiện hữu nếu không có sự thay đổi.
Khi nghiên cứu về tình hình phát triển của các địa phương, chúng tôi thấy, những nguyên nhân khách quan dẫn đến hạn chế, khó khăn mà các tỉnh, thành phố đều phải đối mặt như dịch bệnh, tình hình kinh tế thế giới khó khăn, xung đột kéo dài… Tức là nguyên nhân khách quan khá giống nhau. Nhưng những nguyên nhân chủ quan thì có đặc điểm riêng.
Đồng chí Trần Đức Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ nhiều lần nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém, xem đây là nguyên nhân căn bản, là cái có thể khắc phục được để đưa Hải Dương phát triển. Nhiều hạn chế, yếu kém xuất phát từ phương pháp giải quyết hoặc phối hợp giải quyết công việc, từ tinh thần trách nhiệm với công việc được giao của cán bộ, công chức; chữ "chậm" được lặp đi lặp lại nhiều lần trong báo cáo sơ kết khi nhắc đến hạn chế, yếu kém. “Tôi đề nghị mỗi đồng chí cần nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chỉ ra, từ đó rà soát, đánh giá đối với ngành, đơn vị, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách để khắc phục triệt để”, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ lưu ý.
Quang cảnh Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII (ảnh tư liệu)
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ, thời gian qua, nhiều đơn vị, địa phương và nhiều cán bộ đã tích cực khắc phục nhược điểm, khó khăn, nâng cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc kéo dài như: nhiều dự án, công trình lớn của tỉnh đang và sẽ được triển khai; nhiều vướng mắc của người dân và doanh nghiệp đang từng bước được tháo gỡ; giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ thi công hoàn thành dự án kéo đường điện qua xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng); sớm bàn giao mặt bằng sạch đường trục Đông Tây, đường trục Bắc Nam huyện Thanh Miện, hoàn thành giải phóng mặt bằng đường vào đền Kiếp Bạc, đường dẫn cầu Đồng Việt (Chí Linh); hay việc xử lý xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất công tại xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ)...
Qua tiếp dân, đọc báo, nhất là báo Hải Dương, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã chỉ đạo giải quyết nhiều công việc cụ thể. Như việc giải quyết nhanh chế độ cho gia đình chính sách, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; xử lý các dự án chậm tiến độ, vi phạm đất đai, kênh mương, gần đây nhất là vi phạm hành lang hệ thống sông Bắc Hưng Hải…
Trong một số hội nghị gần đây, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhiều lần nhấn mạnh: Các đồng chí cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, làm đúng vai, đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Tỉnh ủy không yêu cầu các đồng chí làm ngoài quy định, nhưng cần tư duy trong khuôn khổ chính sách, pháp luật hiện hành, có nhiều địa phương khác làm được, làm nhanh, không sai và đã thúc đẩy địa phương họ phát triển, tại sao mình không làm được?
Sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cộng với những kết quả nêu trên càng chứng tỏ nếu các cấp, các ngành thực sự vào cuộc thì hầu hết những khó khăn, vướng mắc sẽ sớm được giải quyết, những việc thông thường như thủ tục hành chính được đẩy nhanh, đóng góp vào sự phát triển chung, tránh tụt hậu, tránh để người dân thiệt thòi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu theo tinh thần: “Ai không làm thì đứng sang một bên”. Chúng ta cần phòng ngừa “căn bệnh” sợ trách nhiệm. Nhưng khi cán bộ đã “mắc bệnh” này nặng rồi thì cần được thay thế.