Chủ nhật, ngày 24/11/2024

Nâng tầm vị thế Hải Dương dựa trên 4 trụ cột

Thứ Ba 04/04/2023 07:20

Xem với cỡ chữ
Ngày 31.3.2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 105/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương. Báo Hải Dương giới thiệu những nội dung chính của thông báo.
 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ngày 16.3.2023. 
Ảnh: Thành Chung

Sáng 16.3, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2022, chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050. Ngày 31.3.2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 105/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc:

Tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hải Dương cần bám sát, thực hiện hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23.11.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng...

Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu, nguyên tắc cơ bản nhưng phải linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả. Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu dứt điểm đến đó, việc nào xong việc đó.

Tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả. Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, trên nguyên tắc đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.

Phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại; khắc phục bằng được những hạn chế, tồn tại; hành động quyết liệt, nỗ lực, chủ động, sáng tạo hơn.

Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp.

Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.

Thực hiện hiệu quả Chiến lược "Bốn trụ cột - Ba nền tảng - Một trung tâm, ba đô thị động lực - Bốn trục phát triển"

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương thực hiện hiệu quả Chiến lược “Bốn trụ cột - Ba nền tảng - Một trung tâm, ba đô thị động lực - Bốn trục phát triển” với trọng tâm là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương dựa trên các trụ cột công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao và hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Nghiên cứu bổ sung thêm trụ cột thứ năm về bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Khai thác hiệu quả các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; tận dụng sự lan tỏa của các trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh.

Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã kiến nghị với Thủ tướng những vấn đề liên quan đến nhiều dự án trọng điểm

Phát huy tiềm năng về con người, truyền thống văn hóa lịch sử; quan tâm phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

Về một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương cần tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để đưa ra định hướng phát triển ổn định, lâu dài gắn với ưu tiên phát triển ngành, lĩnh vực cụ thể và chính sách thu hút đầu tư phù hợp. Coi quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, chiến lược; bảo đảm tích hợp, đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.

Đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường hợp tác công - tư, huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, lấy nguồn lực nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, kích hoạt các nguồn vốn xã hội; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, mở ra không gian phát triển mới.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp; tập trung ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tăng cường đối thoại, nắm bắt kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng hành với doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của tỉnh. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, bền vững; khuyến khích thanh niên khởi nghiệp.

Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm OCOP. Phát triển du lịch gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, sản phẩm, dịch vụ đặc thù.

Bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị truyền thống; phối hợp với các bộ, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là Di sản thế giới. Quan tâm bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng, có chính sách bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không còn khả năng lao động...

Tăng cường đầu tư cho giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và đổi mới phương thức đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp...

Tập trung giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, nhất là lĩnh vực đất đai; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hải Dương tham quan triển lãm thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới và trưng bày sản phẩm OCOP tiêu biểu. Ảnh: Thành Chung

Về một số kiến nghị của tỉnh

Về kiến nghị sớm đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình nút giao lập thể giữa quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 17B: UBND tỉnh Hải Dương làm việc cụ thể với Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành có liên quan. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Hải Dương để đề xuất phương án bố trí vốn từ ngân sách trung ương, kết hợp nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để sớm triển khai dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về kiến nghị hỗ trợ kinh phí để đầu tư Dự án đầu tư, cải tạo, mở rộng tuyến quốc lộ 37 đoạn từ quốc lộ 18 tới Côn Sơn - Kiếp Bạc: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Hải Dương đề xuất phương án bố trí vốn ngân sách trung ương, địa phương khi có điều kiện và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai dự án.

Về kiến nghị thu hồi chủ trương giao VIDIFI là chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hoàng Diệu, khu công nghiệp Hưng Đạo và giao UBND tỉnh Hải Dương tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện: Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và các địa phương có liên quan khẩn trương xử lý dứt điểm trong tháng 4.2023.

Về kiến nghị sửa đổi một số quy định hoặc ủy quyền cho tỉnh phê duyệt một số nội dung trong thực hiện Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị và các văn bản hướng dẫn thi hành: Đồng ý chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương, đi đôi với phân bổ nguồn lực, gắn với xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát. Vì các nội dung trên xuất phát từ yêu cầu thực tế, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng nghiên cứu kiến nghị của tỉnh Hải Dương và kiến nghị tương tự của các địa phương khác trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất Đai và Luật Quy hoạch đô thị và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Về kiến nghị ủy quyền cho tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch TP Chí Linh: Giao UBND tỉnh Hải Dương thực hiện trình tự lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc theo đúng quy định tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25.12.2018 của Chính phủ cho giai đoạn phát triển mới, bảo đảm xứng tầm với vai trò, vị thế của Khu di tích quốc gia đặc biệt.

Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn UBND tỉnh Hải Dương thực hiện và tổ chức thẩm định Nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa; nghiên cứu kiến nghị của tỉnh Hải Dương trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa.

Về kiến nghị đối với dự án đường vành đai 5, UBND tỉnh Hải Dương chủ động phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để huy động nguồn lực triển khai đầu tư các đoạn tuyến ưu tiên trên địa bàn tỉnh.

Đối với dự án đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, cần tiếp tục nghiên cứu kỳ, đầu tư khi có điều kiện, tránh lãng phí nguồn lực.

Về kiến nghị điều chỉnh chỉ tiêu đất khu công nghiệp tỉnh Hải Dương từ kỳ cuối (2026-2030) sang kỳ đầu (2021 -2025): Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở tổng hợp tình hình, báo cáo của địa phương, kiểm tra một số địa phương (trong đó có tỉnh Hải Dương) về tình hình thực tế triển khai kế hoạch sử dụng đất 2021 - 2025. Sau khi có đánh giá đúng kết quả thực tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Thủ tướng Chính phủ rà soát điều chỉnh cho một số địa phương cụ thể, bảo đảm đúng với yêu cầu và chủ trương của Đảng, Nhà nước, không để tình trạng lãng phí, đất đai hoang hóa

Theo Báo Hải Dương

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: