Xác định rõ tính cấp thiết và tầm quan trọng của Đề án 06, thời gian qua các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả.
Thượng tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư truyền đạt nội dung tập huấn triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025
Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) với 05 mục tiêu, 6 nhiệm vụ và giải pháp nổi bật. Đây là Đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Đặc biệt, thực hiện hiệu quả Đề án sẽ mang lại lợi ích rất lớn, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Xác định rõ tính cấp thiết và tầm quan trọng của Đề án 06, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt các giải pháp, với quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tại tỉnh Hải Dương, ngày 21/3/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc thành lập Tổ công tác triển khai Đề án 06 do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Đồng thời, đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ Công an về thực hiện Đề án số 06; chủ động giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân phục vụ chuyển đổi số và gắn kết chặt chẽ với cải cách thủ tục hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phù hợp với Chương trình Chuyển đối số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện nay, 100% UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động Tổ công tác; 235/235 UBND các xã, phường, thị trấn và 1.331 thôn, tổ dân phố đã thành lập Tổ công tác.
Với chức năng nhiệm vụ được giao, thời gian qua các sở, ngành và UBND huyện, thành phố đã triển khai thực hiện có hiệu quả một số nội dung của Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, cá nhân. Trong đó, đã hoàn thành việc kết nối, chia sẽ dữ liệu dân cư với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh để phục vụ việc giải quyết 14 thủ tục hành chính (gồm: 11 thủ tục ngành Công an; 03 thủ tục ngành Tư pháp). Kết quả hoạt động của 25 dịch vụ công thiết yếu tính đến ngày 20/5/2022, số lượng hồ sơ thực hiện thủ tục là 88.075 hồ sơ, đã được giải quyết là 81.815 hồ sơ, không được tiếp nhận là 3.478 hồ sơ.
Lực lượng Công an tỉnh trong quá trình thực hiện các nhóm nhiệm vụ của Đề án 06
Với nhiệm vụ phát triển công dân số, lực lượng Công an đã rà soát, làm sạch dữ liệu và đồng bộ vào kho dữ liệu dân cư được 2.145.539 trường hợp; thông báo số định danh cá nhân đến 100% công dân trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh công tác cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử làm căn cứ, nền tảng phục vụ phát triển ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và xác thực điện tử. Tính đến ngày 17/5/2022, toàn tỉnh đã thu nhận được 1.331.271 hồ sơ đề nghị cấp căn cước công dân và 111.731 hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử, trong đó, cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân sinh năm 2004 và 2007 đã được cấp căn cước công dân gắn chip là 27.164 hồ sơ.
Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án 06 còn những tồn tại, khó khăn như: Việc triển khai công tác tuyên truyền chưa cao, dẫn đến nhận thức của cán bộ và nhân dân về các nội dung thuộc Đề án 06/CP còn hạn chế. Các quy định liên quan văn bản quy phạm pháp luật của một số bộ, ngành chưa được điều chỉnh kịp thời ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, gây khó khăn trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị, nguồn kinh phí phục vụ việc triển khai thực hiện Đề án còn một số hạn chế, có nơi chưa bảo đảm...
Để thực hiện có hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng tiến độ đề ra, trong thời gian tới các sở, ngành, thành viên Tổ công tác Đề án 06, UBND các huyện, thành phố tiếp tục kiểm tra, rà soát, hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 569/KH-UBND ngày 07/3/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương về triển khai thực hiện Đề án 06. Tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Đẩy mạnh việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến, tập trung triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm nguồn lực, phát huy hơn nữa vai trò thường trực của Công an tỉnh. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Đề án tại các cơ quan, đơn vị, địa phương và thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo trong thực hiện Đề án...