Thứ hai, ngày 25/11/2024

Nơi mở lối về cho những mảnh đời lầm lỗi

Thứ Năm 04/11/2021 14:35

Xem với cỡ chữ
Trại giam trong hiểu biết thông thường của đa số mọi người là nơi chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân của những phạm nhân đã bị Tòa án kết tội và buộc phải chấp hành hình phạt tù. Tuy nhiên, đối với những cán bộ chiến sỹ Công an gắn bó với trại giam nói chung và đối với cán bộ chiến sỹ Trại tạm giam (TTG) Công an tỉnh Hải Dương nói riêng thì ngoài ý nghĩa đó, trại giam còn là nơi mở lối về cho những mảnh đời từng lầm đường lạc lối.

TTG Công an tỉnh Hải Dương hiện có 162 cán bộ chiến sỹ, làm nhiệm vụ quản lý, giáo dục, cải tạo 950 can phạm nhân (số liệu tính đến ngày 14/10/2021). Trong những năm qua, tập thể lãnh đạo và cán bộ chiến sỹ TTG Công an tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Riêng trong năm 2021, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ trọng tâm, đột phá như: quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ, đảm bảo an toàn 11 bị án tử hình; đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm dịch Covid-19 trong TTG; giữ vững an toàn trại, an toàn can phạm nhân; nâng cao hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ chiến sỹ, nhất là đối với số chiến sỹ nghĩa vụ, số cán bộ chiến sỹ canh gác ban đêm.

Quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương hướng dẫn phạm nhân bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Với quyết tâm cao độ không để dịch Covid-19 lây nhiễm trong cán bộ chiến sỹ và can phạm nhân, TTG Công an tỉnh đã có những cách làm hay được nhiều TTG trên cả nước học tập áp dụng, tiêu biểu như việc triển khai lắp đặt hệ thống điện thoại nội bộ trong nhà thăm gặp can phạm nhân và tổ chức cho cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng đến làm việc với can phạm nhân thông qua hệ thống điện thoại này, từ đó hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Mặc dù do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc chuyển phạm nhân đi trại giam chấp hành án nhiều lần bị trì hoãn dẫn đến số đối tượng giam giữ ở TTG Công an tỉnh luôn ở mức rất cao, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, giam giữ nhưng Đảng ủy, Ban Giám thị đã chỉ đạo triển khai kịp thời nhiều giải pháp nhằm giữ vững an toàn trại, an toàn can phạm nhân.

Đánh giá về công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân, đồng chí Thượng tá Nguyễn Mạnh Hiện - Giám thị TTG Công an tỉnh cho biết: “Tùy từng đối tượng mà chúng tôi sử dụng linh hoạt các biện pháp quản lý, giáo dục. Có lúc cứng rắn răn đe, lúc nhẹ nhàng khuyên bảo, chuyện trò khơi gợi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của can phạm, trên cơ sở đó có hướng giáo dục, tạo niềm tin cho can phạm nhân để họ yên tâm cải tạo tốt. Giáo dục theo các quy định của luật pháp thôi chưa đủ, nhiều khi thứ mà phạm nhân cần lại là ân tình, là sự quan tâm, tin tưởng, khích lệ của cán bộ quản giáo. Đơn cử như đối với các đối tượng trước khi vào trại là “đầu gấu”, là “dân anh chị” cộm cán ngoài xã hội, bản thân tôi cùng cán bộ quản giáo đã trực tiếp gặp gỡ, tác động tư tưởng và tin tưởng sử dụng họ giúp việc cho cán bộ quản giáo trong việc quản lý các phạm nhân khác. Khi thấy được tin tưởng, ý thức vì tập thể, rộng hơn là vì cộng đồng, vì xã hội sẽ được khơi gợi trong tiềm thức những con người từng lầm lỗi đó. Nhận thức thay đổi sẽ dẫn tới hành vi thay đổi theo hướng tích cực hơn…”.

Cán bộ nam làm công tác quản giáo đã khó, cán bộ nữ làm công tác quản giáo còn vất vả hơn bội phần. Đặc thù công việc luôn mang đến những thử thách, đòi hỏi bản lĩnh, nhiệt huyết với nghề và sự nhẫn nại của người cán bộ. Thượng úy Phạm Thị Trang - một trong những nữ quản giáo trẻ nhất tại TTG Công an Hải Dương chia sẻ: “Cái khó của cán bộ quản giáo trẻ, nhất là cán bộ quản giáo nữ như tôi là làm sao nói để phạm nhân nghe. Có nhiều phạm nhân lớn tuổi, ngang ngạnh, cộm cán lúc đầu còn tỏ thái độ khi được quản giáo trẻ quản lý, giáo dục”. Nhiều phạm nhân từng là “dân anh chị” ngoài xã hội khi mới vào Trại thường xuyên đưa ra những đòi hỏi, yêu sách, khi không được đáp ứng thì tìm mọi cách chống đối, quậy phá, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ. Có đối tượng còn dùng phân, nước tiểu vẩy khắp buồng giam hoặc giả điên, chửi bới cán bộ… Vì vậy, ngoài giáo dục, chúng tôi còn tìm hiểu, động viên phạm nhân bởi mỗi mảnh đời lầm lỗi đều có hoàn cảnh éo le riêng. Khi ấy, phạm nhân sẽ từng bước trút bỏ những tư tưởng mặc cảm, tiêu cực, chống đối, từ đó yên tâm tập trung cải tạo, rèn luyện trở thành công dân lương thiện”. Có thể thấy, đặc thù, tính chất công việc đòi hỏi mỗi cán bộ quản giáo, đặc biệt là quản giáo trẻ, quản giáo nữ phải luôn sâu sát, tìm hiểu, nắm chắc lý lịch, hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phạm tội của từng phạm nhân để có biện pháp giáo dục, cải tạo hợp lý, đồng thời động viên, cảm hóa, giúp phạm nhân cải tạo tốt.

Quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương hướng dẫn phạm nhân lao động sản xuất

Anh N.D.C (sinh năm 1988, trú tại Tứ Thông, Tứ Minh, TP Hải Dương), từng bị kết án 4 năm 3 tháng tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Những ngày đầu mới vào trại (tháng 3/2018), anh C. hoang mang, tự ti, sợ gia đình, vợ con ở nhà không tin tưởng, chờ đợi. Được các quản giáo phổ biến nội quy trại và quan tâm, khích lệ, N.D.C đã vượt lên mặc cảm tội lỗi, tích cực cải tạo tốt và được ra tù trước thời hạn 22 tháng 13 ngày. Hiện anh C. đang có công việc ổn định tại một cơ sở nội thất ở phường Tứ Minh, TP Hải Dương. Những cán bộ quản giáo vẫn nói vui với nhau, làm công tác quản giáo như làm những người thầy dạy dỗ, uốn nắn toàn “học sinh cá biệt”, nhưng khó khăn đó lại khiến cho thành quả họ đạt được trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều. Đó giống như niềm vui của mỗi người thầy khi thấy những học trò ngỗ ngược dần khôn lớn, trưởng thành, biết sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Mỗi một mảnh đời hoàn lương, trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng, tìm được công việc ổn định không chỉ là kết quả những nỗ lực của bản thân họ mà còn là thành quả quản lý, giáo dục, quan tâm giúp đỡ, là niềm vui của bao cán bộ quản giáo.

Bên cạnh công tác quản giáo là công tác xương sống, đặc thù, cán bộ chiến sỹ TTG Công an tỉnh Hải Dương còn đồng thời thực hiện nhiều mặt công tác khác như: công tác tham mưu, hậu cần, hồ sơ, tiếp dân, y tế… Ở bất kỳ công tác nào, các anh các chị đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên giao phó. Đơn cử như công tác y tế, cán bộ làm công tác y tế ở TTG cũng rất đặc biệt. Bệnh nhân của họ không phải là những người dân bình thường mà là các can phạm nhân, trong đó có nhiều đối tượng cộm cán, nhiều đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS hoặc các bệnh truyền nhiễm khác từ ngoài xã hội. Không chỉ có các ca cấp cứu ngoài giờ hành chính, còn nhiều trường hợp đối tượng yêu sách, giả ốm gọi cấp cứu…; cán bộ y tế đều phải cứng rắn, lựa từng tình huống để phối hợp với cán bộ quản giáo đưa ra biện pháp xử lý phù hợp.

Đối với đơn vị đặc thù, nhiều áp lực, nhiều khó khăn vất vả như Trại giam ở các đơn vị Công an nhân dân nói chung, TTG Công an tỉnh Hải Dương nói riêng, để vượt qua mọi khó khăn gian khổ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, quản lý, giáo dục phạm nhân trở thành những công dân lương thiện, có ích cho xã hội, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong và ngoài Ngành thực hiện hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án phạt tù đòi hỏi năng lực, sự tập trung cao độ, tinh thần trách nhiệm và quyết tâm rất lớn của tập thể lãnh đạo và từng cán bộ chiến sỹ. Trong những năm qua, hàng trăm lượt tập thể, cá nhân thuộc TTG Công an tỉnh Hải Dương đã được lãnh đạo các cấp biểu dương, khen thưởng vì thành tích xuất sắc trong quá trình công tác.

Kỉ niệm 71 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát trại giam (07/11/1950 - 07/11/2021), tự hào viết tiếp những trang sử vẻ vang của lực lượng, cán bộ chiến sỹ TTG Công an tỉnh Hải Dương nguyện tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng, Ngành và nhân dân tin tưởng giao phó.

Phương Thuỳ

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: