Mặc dù pháp luật đã nghiêm cấm và chính quyền các cấp cũng như các cơ quan truyền thông thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo, song thời gian qua, tại một số huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra tình trạng người dân sử dụng dòng điện có hiệu điện thế cao để bẫy diệt chuột ngoài cánh đồng lúa, kích cá ở ao, đầm, sông ngòi… gây ra các vụ án, vụ việc tai nạn về điện, gây hậu quả rất nghiêm trọng dẫn đến chết người, làm tổn hại về sức khỏe tinh thần cho chính người sử dụng và những người khác.
Cơ quan Cảnh sát điều tra khám nghiệm hiện trường
Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 03 vụ sử dụng điện bẫy, diệt chuột làm 03 người thiệt mạng. Cụ thể:
Vụ thứ nhất: Khoảng 18h30’ ngày 23/02/2021, Trần Văn Mạnh, sinh năm 1965, trú tại xã Vạn Phúc, huyện Ninh Giang sử dụng dòng điện ba pha nối vào dây thép trần chăng quanh ruộng lúa nhà mình để bẫy, diệt chuột tại khu ruộng nhà mình và những hộ dân xung quanh tại cánh đồng Mũa thuộc thôn 3, xã Vạn Phúc, huyện Ninh Giang. Đến khoảng 10h ngày 26/02/2021, bà Nguyễn Thị Lanh (sinh năm 1957 ở thôn 3, xã Vạn Phúc, huyện Ninh Giang) đi ra khu vực ruộng lúa nhà Mạnh thì bị vướng vào dây điện do Mạnh bẫy chuột và bị điện giật. Hậu quả bà Lanh tử vong tại chỗ.
Trần Văn Mạnh tại cơ quan Công an.
Vụ thứ hai: Khoảng 17h ngày 16/4/2021, ông Nguyễn Duy Hạnh, sinh năm 1970, trú tại thôn Nhân Kiệt, xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang sử dụng bình ắc quy kích điện để bẫy, diệt chuột tại ruộng lúa nhà mình ở cánh đồng thôn Nhân Kiệt, xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang. Đến khoảng 18h cùng ngày người dân phát hiện ông Hạnh nằm bất tỉnh đè lên dây điện. Người dân ngắt điện, tháo dây điện và đưa ông Hạnh đi cấp cứu nhưng ông Hạnh đã tử vong.
Vụ thứ ba: Khoảng 18h15’ ngày 21/4/2021, Nguyễn Văn Nam, sinh năm 1962, trú tại thôn Bằng Lai, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành sử dụng bình ắc quy và kích điện ra đầu nối vào hệ thống điện để diệt chuột tại ruộng lúa nhà mình và những hộ dân bên cạnh rồi đi về nhà. Đến 20h cùng ngày, Nam nhận được thông tin bà Nguyễn Thị Phờ (inh năm 1959, người cùng thôn) đi phun thuốc sâu ở ruộng lúa tiếp giáp với ruộng nhà Nam chưa về. Thấy vậy, Nam ra khu ruộng bẫy chuột ngắt điện mang bình ắc quy điện về cất giấu rồi hô hào người dân ra tìm bà Phờ thì phát hiện bà Phờ nằm bất tỉnh tại khu vực ruộng lúa nhà bà Phờ do bị điện giật. bà Phờ được đưa đi cấp cứu tại Trạm y tế xã Ngũ Phúc thì được xác định đã tử vong trước đó.
Hành vi sử dụng điện để bẫy chuột, kích cá là hành vi vi phạm pháp luật, gây ra những tác hại, hậu quả nghiêm trọng, là nguyên nhân gây ra các vụ án, vụ việc tai nạn về điện, xâm hại sức khỏe, tính mạng của người khác. Điểm đ, Khoản 4, Điều 15, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn thuỷ điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã quy định rõ: “Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng khi sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trái quy định của pháp luật”. Trường hợp xảy ra điện giật dẫn đến thương tích hoặc chết người, người sử dụng điện bẫy chuột, kích cá còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Trước mắt, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hải Dương kết thúc điều tra, thống nhất với Viện kiểm sát, Tóa án nhân dân đưa vụ án Trần Văn Mạnh bị khởi tố về tội Giết người quy định tại khoản 2, điều 123 Bộ luật hình sự (do sử dụng điện để bẫy, điệt chuột gây ra hậu quả chết người) để xử điểm.
Để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc, Công an tỉnh Hải Dương khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng điện để bẫy chuột, kích cá. Thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, Công an tỉnh sẽ rà soát các hộ dân hiện đang sử dụng điện bẫy, diệt chuột để tuyên truyền trực tiếp, cho ký cam kết không tiếp tục tái sử dụng, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng điện vào mục đích bẫy diệt chuột, kích cá.