Chủ nhật, ngày 24/11/2024

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương: “Hiện nay, về cơ bản tình hình dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát”

Thứ Năm 04/02/2021 09:13

Xem với cỡ chữ
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng, việc có cách ly hay phong toả tỉnh hay không sẽ phụ thuộc diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 và trên cơ sở xin ý kiến Thủ tướng.

 

Về cơ bản tình hình dịch bệnh bước đầu được kiểm soát

Trưa 3/2, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương, đồng chí Phạm Xuân Thăng đã có cuộc trao đổi với phóng viên về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh từ khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 28/1.

Thưa đồng chí, sau 7 ngày, kể từ khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng trên địa bàn đến nay, Hải Dương đã và đang làm gì để chạy đua với sự lây lan nhanh của virus nhằm kiểm soát, dập dịch?

Đồng chí Phạm Xuân Thăng:  Ngay sau khi dịch bùng phát ở công ty POYUN tại TP Chí Linh, chúng tôi đã chỉ đạo rất kịp thời, quyết liệt với nhiều giải pháp sát với tình hình thực tế. Hiện nay, về cơ bản tình hình dịch bệnh bước đầu được kiểm soát.

Với việc xác định chủng virus này rất nguy hiểm, tốc độ lây lan rất nhanh nên chúng tôi đã chỉ đạo tiến hành truy vết các trường hợp F1, F2, F3... rất khẩn trương, đồng thời tiến hành xét nghiệm ngay, trả kết quả sớm để nhanh chóng phát hiện các ca dương tính.

Tỉnh cũng tiến hành đưa toàn bộ các trường hợp F1 đi cách ly tập trung, các trường hợp F2 được cách ly tại nhà.

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương: Có cách ly hay phong toả toàn tỉnh hay không sẽ phụ thuộc diễn biến dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, tính đến 12h ngày 3/2, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã ghi nhận 240 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Đối với các khu dân cư, thôn có ca dương tính, tỉnh đã chỉ đạo phong toả toàn bộ địa bàn đó, hoặc xã có nhiều điểm thôn có người dương tính cũng tiến hành phong toả.

Đến nay, tại Hải Dương đã tiến hành phong toả toàn bộ TP Chí Linh. Đối với Thị xã Kinh Môn đã tiến hành phong toả 14 xã, phường với 27 điểm thôn, khu dân cư của xã, phường. Đối với TP Hải Dương đã tiến hành phong toả 1 phường.

Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly tại các khu vực liên quan. Trong sáng 3/2 đã tiếp tục phong toả thêm 1 địa điểm là xã Tân Trường (Cẩm Giàng) và 2 điểm dân cư tại Thị trấn Lai Cách.

Trong những ngày gần đây, cụ thể từ hôm qua đến nay, số ca dương tính đang có dấu hiệu giảm dần và có những nơi không phát sinh ca dương tính mới như tại Thị xã Kinh Môn (2 ngày qua không phát sinh thêm bệnh nhân dương tính) hay huyện Nam Sách.

Tại TP Chí Linh vẫn phát sinh ca dương tính, nhưng giảm đi so với vài ngày trước rất nhiều.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh, có 4 huyện cơ bản chưa có tình hình dịch bệnh diễn ra còn một số huyện xuất hiện ca dương tính đều được lập tức khoanh vùng, cách ly, phong toả, lấy mẫu xét nghiệm, truy vết nhanh để sớm dập được dịch.

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương: Có cách ly hay phong toả toàn tỉnh hay không sẽ phụ thuộc diễn biến dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Khu vực cách ly tại xã Hưng Đạo, TP Chí Linh nơi bệnh nhân 1552 mắc Covid-19 sinh sống.

Với tình hình dịch bệnh ở Hải Dương hiện nay, liệu tỉnh có tính đến phương án giãn cách xã hội, phong toả toàn tỉnh để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 không, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Xuân Thăng:  Hiện nay, Hải Dương đang thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng với tinh thần tuỳ theo mức độ diễn biến của dịch đến đâu sẽ tiến hành các biện pháp áp dụng phù hợp.

Trong đó, phải thực hiện mục tiêu vừa quyết liệt, phòng, chống dập dịch, nhưng cũng đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra tương đối bình thường, lưu thông hàng hoá đảm bảo để phục vụ cho bà con đón Tết được chu đáo.

Về việc đặt vấn đề giãn cách xã hội, hiện toàn tỉnh Hải Dương đã thực hiện việc giãn cách, tiến hành phong toả TP lớn là Chí Linh, cách ly với Thị xã Kinh Môn, đồng thời phong toả trên 30 xã, phường, thị trấn.

Đối với việc có cách ly hay phong toả toàn bộ tỉnh hay không sẽ phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh và trên cơ sở xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

- Sau 7 ngày dịch bùng phát ở Hải Dương, điều khiến đồng chí lo lắng nhất hiện nay là gì?

Đồng chí Phạm Xuân Thăng:  Điều tôi lo lắng nhất trong lúc này là trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp đông công nhân, nên nếu không đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì nếu có ca dương tính sẽ dễ dẫn đến lây lan giống như doanh nghiệp POYUN.

Chính vì vậy, chúng tôi đang chỉ đạo thực hiện một số giải pháp quyết liệt phòng chống Covid-19 trong doanh nghiệp. Cụ thể, đã thành lập chốt kiểm dịch ở tất cả các khu công nghiệp của tỉnh Hải Dương.

Đồng thời, yêu cầu 100% doanh nghiệp ký cam kết về các giải pháp về phòng chống dịch Covid-19, doanh nghiệp nào không thực hiện nghiêm túc sẽ yêu cầu tạm ngừng sản xuất.

Tỉnh cũng thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra việc phòng, chống dịch Covid-19 trong các doanh nghiệp.

Chúng tôi yêu cầu trong dịp gần Tết này, với các doanh nghiệp không có người bị nhiễm Covid-19 thì trước khi cho công nhân về nghỉ Tết tại quê phải tạo điều kiện cho họ được xét nghiệm Covid-19. Các trường hợp an toàn mới cho về nghỉ Tết còn không an toàn sẽ giữ lại, cách ly, sàng lọc.

Sử dụng công nghệ truy vết các ca F1, nâng công suất xét nghiệm lên tối đa

Một điểm trong công tác chống dịch Covid-19 ở Hải Dương được Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đánh giá tốt là việc truy vết, xét nghiệm nhanh. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về điều này?

Đồng chí Phạm Xuân Thăng:  Ở đây, kinh nghiệm của chúng tôi là khi phát hiện một ca F0 sẽ huy động tổng lực lượng mà chủ trì là công an, y tế.

Chúng tôi tiến hành truy vết bằng 2 cách, trong đó, cách thứ nhất là truy vết thông qua lời khai của bệnh nhân xem tiếp xúc với ai, đi đến đâu, làm gì từ đó, xác định F1, F2, F3.

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương: Có cách ly hay phong toả toàn tỉnh hay không sẽ phụ thuộc diễn biến dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Cán bộ Trường đại học Y tế Công cộng tham gia lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân ở Chí Linh.

Thứ hai, chúng tôi dựa vào công nghệ với đội hình sinh viên trường Đại học Kỹ thuật - Y tế Hải Dương thực hiện trên phần mềm của Bộ Thông tin - Truyền thông, VNPT dựa vào số điện thoại của ca F0 để truy ngược ra F1 là ai. Việc áp dụng phần mềm này khá hiệu quả nên việc truy vết F1 thực hiện nhanh.

Đối với việc xét nghiệm, chúng tôi đã nâng công suất xét nghiệm của tỉnh lên tối đa, đồng thời ký kết hợp đồng với một công ty được Bộ Y tế giới thiệu, đảm bảo chất lượng.

Hiện, công suất xét nghiệm của Hải Dương đã đạt 10.000 test/ngày và có thể nâng lên 20.000 test/ngày. Do đó, nhu cầu xét nghiệm hiện đáp ứng tốt.

Cùng với đó, chúng tôi đưa ra quy trình cung cấp, xử lý thông tin nhanh chóng. Cụ thể, khi xét nghiệm xong, xuất hiện một ca dương tính nào phải lập tức thông tin ngay bằng email, zalo cho địa phương có ca dương tính và thông báo đến lãnh đạo tỉnh, Ban chỉ đạo cấp tỉnh, trực tiếp Bí thư Tỉnh uỷ nắm được để chỉ đạo truy vết ngay.

Do đó, đến nay, việc tiến hành truy vết liên quan các ca dương tính được thực hiện nhanh chóng, kịp thời.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/2, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng có thông tin về việc đồng chí nhắn tin cho Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phản ánh về việc hàng hoá của Hải Dương lưu thông sang các tỉnh gặp khó và trước đó, bà con trồng đào ở TP Hải Dương cũng phản ánh về khó khăn trong tiêu thụ. Vậy, đến nay tình hình cụ thể ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Xuân Thăng:  Hiện nay, đời sống của bà con nhân dân Hải Dương vẫn giữ được nhịp sinh hoạt, mức sống bình thường, không bị xáo trộn ảnh hưởng lớn. Trong đó, hàng hoá được cung cấp đầy đủ, các dịch vụ thiết yếu không bị ngắt quãng.

Tuy nhiên, có một số khó khăn như trong dịp Tết, nhân dân ở tại TP Hải Dương có vùng trồng đào lớn cung cấp ra thị trường nhưng với tình hình dịch hiện tại, việc bán ra gặp khó khăn do số lượng người đến mua ít hơn mọi năm, tiêu thụ khó khăn khiến bà con nông dân bị thiệt thòi.

Thêm vào đó, Hải Dương là nơi có nông nghiệp khá phát triển, nông sản như rau, hoa quả, cá, gà... từ trước đến nay cung cấp nhiều cho các TP lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Tuy vậy, sau khi dịch bùng phát, có một số xe chở nông sản của Hải Dương đi vào một số tuyến đường, điểm chốt của địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh bị hạn chế, không được vào với lý do lo ngại dịch bệnh lây lan vào.

Biện pháp xử lý của các địa phương như vậy là đúng, nhưng chúng tôi đã có văn bản trao đổi với lãnh đạo TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hoá, nông sản cho tốt.

Hiện nay, các khó khăn đã từng bước được tháo gỡ và không còn quá bức xúc. Nông sản của bà con đã được tiêu thụ từng bước nhưng giá có giảm hơn so với năm ngoái do tình hình dịch Covid-19.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Theo soha.vn

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: