Thứ hai, ngày 28/10/2024

Cẩm Giàng tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong việc thực hiện phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Cẩm Giàng

Chủ Nhật 01/09/2024 15:37

Xem với cỡ chữ
Ban Thường vụ Huyện ủy Cẩm Giàng vừa ban hành Nghị quyết số 29-NQ/HU ngày 29/8/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong việc thực hiện phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, trong đó phấn đấu đến năm 2025 có 100% thôn, khu dân cư và có 100% số hộ gia đình triển khai thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Ảnh minh họa

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện đã có chuyển biến rõ nét và đạt được kết quả tích cực. Toàn huyện đã xây dựng được 90 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tập trung; 100% thôn, khu dân cư thành lập tổ thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Đến năm 2023, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nông thôn đạt trên 92%, tại đô thị đạt 95%; tỷ lệ hộ gia đình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt 37,1%, trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện vận động được 2.452 hộ gia đình thực hiện mô hình “Phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO”; có 46 thôn, khu dân cư được vận chuyển rác thải đến nhà máy xử lý rác theo nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ và nhân dân đóng góp, 61 thôn, khu dân cư còn lại thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác tại bãi chôn lấp trên địa bàn.

Tuy nhiên, công tác phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện vẫn còn những hạn chế như: Nhiều hộ gia đình chưa thực hiện phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; nhiều nơi, người dân chưa tích cực tham gia vào các hoạt động thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt; còn tình trạng tổ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đổ rác thải tại bãi chôn lấp rác chưa đảm bảo quy định, chưa thực hiện san gạt thường xuyên; tình trạng vứt, bỏ rác, phế thải, phế liệu bừa bãi tại một số khu đất trống, đường giao thông, công trình thủy lợi,... còn diễn ra ở một số địa bàn. Bên cạnh đó, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (đối với 07 xã được tỉnh hỗ trợ) chưa triệt để nên kinh phí dành cho việc vận chuyển, xử lý tăng.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành trong việc thực hiện phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; nhận thức của một bộ phận người dân trong thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế, chưa coi đây là tài nguyên; tỷ lệ lấp đầy các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt cao, bình quân trên 75%, trong khi đó việc bố trí quỹ đất để quy hoạch bãi chôn lấp mới gặp nhiều khó khăn. Công tác kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường chưa được thường xuyên, kịp thời. Công tác phối hợp trong việc tuyên truyền, vận động về vệ sinh môi trường chưa chặt chẽ, thường xuyên. Ý thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là trong phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân nhìn chung chưa cao, chưa hình thành được thói quen, ý thức tự giác trong xã hội.

Với quan điểm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân cùng với việc huy động các lực lượng xã hội, các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực trong công tác phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động để việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trở thành thói quen, nếp sống văn minh của mỗi công dân, hộ gia đình, cơ quan, đơn vị trên địa bàn; thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường và xây dựng huyện Cẩm Giàng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI đã đề ra.

Ban Thường vụ Huyện ủy Cẩm Giàng đề ra mục tiêu chung là: Triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; huy động sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương; thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái, sức khỏe người dân, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuyên truyền sâu rộng, vận động các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động để việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trở thành thói quen, nếp sống văn minh của mỗi công dân, hộ gia đình, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Gắn công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh trên địa bàn huyện. Giảm thiểu, hạn chế tới mức thấp nhất lượng chất thải mang đi xử lý, chôn lấp và tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt; giảm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý, giảm diện tích đất chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.

Với mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến cuối năm 2024, toàn huyện cơ bản có 100% thôn, khu dân cư và có ít nhất 80% số hộ gia đình triển khai thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, cụ thể, trước ngày 30/10/2024, hoàn thành triển khai thí điểm việc phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở xã Cẩm Văn; đến cuối năm 2024, các xã, thị trấn còn lại có ít nhất 80% số hộ gia đình triển khai thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Đồng thời phấn đấu đến năm 2025, có 100% thôn, khu dân cư và có 100% số hộ gia đình triển khai thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đến cuối năm 2025, 100% chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại tại hộ gia đình được thu gom, vận chuyển, xử lý đảm bảo đúng quy định.

Để đạt các mục tiêu đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp chính, đó là: (1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương xác định việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt là nhiệm vụ cần tập trung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện thường xuyên, lâu dài; trước mắt cần quán triệt với quyết tâm chính trị cao để triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra trong năm 2024. Đưa công tác đảm bảo vệ sinh môi trường (bao gồm việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt) trở thành chỉ tiêu đánh giá thi đua của cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, người lao động hằng năm và là một trong những tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, làng, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò chủ thể chính của người dân trong việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện và chỉ đạo thực hiện. Hằng quý và hằng năm trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ ở các tổ chức cơ sở đảng cần gắn với đánh giá, kiểm điểm kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

(2) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của tỉnh và huyện về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh, Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy về phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền với hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh và các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường nói chung và việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng. Đưa công tác vệ sinh môi trường vào định hướng nội dung sinh hoạt chi bộ và tuyên truyền hằng tháng. Kết hợp giữa tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, tuyên truyền trực quan với tuyên truyền trên mạng xã hội, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận, tạo tác động mạnh mẽ tới ý thức của các tầng lớp nhân dân. Tăng cường nêu gương, khích lệ, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia và có sáng kiến, giải pháp, mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả. Đồng thời, xử lý vi phạm, phê phán mạnh mẽ các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Tổ chức các lớp tập huấn cho các lực lượng tuyên truyền, các tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại địa bàn các xã, thị trấn; hướng dẫn các hộ gia đình phân loại, đảm bảo vệ sinh môi trường đạt hiệu quả.  Ngành giáo dục tăng cường tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh môi trường, về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trong các trường học nhằm cung cấp kiến thức và xây dựng ý thức tự giác của công dân ngay từ lứa tuổi học đường.

Đoàn Thanh niên xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) vớt rác tại các kênh, mương

(3) Phát huy vai trò, trách nhiệm của khối Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội: Hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở thường xuyên lắng nghe, phản ánh, phối hợp giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội; tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của hội viên, đoàn viên và Nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường nói chung, công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nói riêng. Xác định tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, trong đó Tổ dân vận các thôn, khu dân cư, Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể là lực lượng nòng cốt. Gắn công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn với các cuộc vận động, phong trào, mô hình, hoạt động, như: Phong trào thi đua "Dân vận khéo", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào "Tuổi cao gương sáng", "Cựu chiến binh gương mẫu", "Xây dựng gia đình 5 có 3 sạch", mô hình "Phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO", mô hình "Ngôi nhà xanh"... Phát huy vai trò giám sát trong công tác phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư. Tăng cường sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với cấp ủy, chính quyền địa phương; giữa Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể cơ sở với cấp ủy chi bộ, trưởng thôn, khu dân cư, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư và đem lại hiệu quả, ý nghĩa thiết thực.

(4) Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hoá trách nhiệm trong tổ chức thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của chính quyền các cấp. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại ngay tại nguồn; được thu gom, vận chuyển đi xử lý theo quy định. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua việc củng cố các tổ thu gom rác, từng bước xây dựng thành các hợp tác xã vệ sinh môi trường để thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn các xã, thị trấn, kết hợp với việc hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm giảm thiểu lượng rác phải vận chuyển và xử lý. Các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt chịu sự quản lý của ủy ban nhân dân các xã, thị trấn; có quy chế hoạt động cụ thể. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Các xã, thị trấn thành lập các tiểu ban tuyên truyền, tiểu ban thực hiện giám sát, thường xuyên kiểm tra việc phân loại tại các hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn; giám sát, đôn đốc tổ vệ sinh môi trường, đơn vị vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện đúng cam kết, không để tình trạng ùn ứ rác làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường xung quanh.

(5) Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động tối đa các nguồn lực của xã hội trong việc tham gia thực hiện công tác phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đầu tư trang thiết bị lưu giữ, các dụng cụ, thiết bị ủ chất thải rắn sinh hoạt tại gia đình, sử dụng chế phẩm sau khi ủ làm phân bón nhằm giảm chi phí vận chuyển, xử lý; tạo thói quen phân loại tại nguồn, đổ chất thải rắn sinh hoạt đúng thời gian và địa điểm quy định; nộp tiền dịch vụ vệ sinh môi trường đầy đủ, đúng quy định. Phát huy nguồn lực xã hội hóa để thực hiện “đóng” các bãi chôn lấp rác không còn sử dụng (phủ đất, trồng cây xanh,…), đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường, tái sử dụng diện tích đất bãi chôn lấp rác đã “đóng” vào các mục đích phù hợp với quy hoạch của địa phương.

(6) Sơ kết, tổng kết đánh giá, thi đua khen thưởng: Ủy ban nhân dân huyện và các xã, thị trấn thực hiện tổng hợp, đánh giá việc triển khai thực hiện định kỳ hằng quý; đánh giá sơ kết, tổng kết sau một năm thực hiện và từng giai đoạn cụ thể, báo cáo kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Huyện ủy. Kết quả việc triển khai, thực hiện công tác phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, các các xã, thị trấn. Trên cơ sở kết quả thực hiện, giao Ủy ban nhân dân huyện xem xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu...

VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: