Đó là nội dung quan trọng được đồng chí Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh trong bài tham luận tại hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế” diễn ra chiều ngày 13.12.
Quang cảnh Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế”.
Hội thảo do lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương giao Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân trong việc sử dụng có hiệu quả nhân tài hiện nay như: chính sách tuyển dụng quá chú trọng về bằng cấp, việc tạo môi trường làm việc để nhân tài phát huy hết khả năng, năng lực làm việc chưa được quan tâm đúng mức, chính sách đãi ngộ nhân tài còn bất cập, việc nâng bậc lương chủ yếu dựa vào thời gian (thâm niên) mà ít chú trọng đến yếu tố hiệu quả mà nhân tài đang đảm nhiệm,...
Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại hội thảo.
Đồng thời, đưa ra những giải pháp về tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài như: đổi mới ban hành và tổ chức thực hiện chính sách thu hút, sử dụng nhân tài; thanh tra, giám sát thực hiện chính sách đối với nhân tài, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng ngắn hạn và chuyên sâu mang tính ứng dụng cao và giải quyết các vấn đề thực tiễn của tỉnh, tạo dựng môi trường làm việc lành mạnh; có cơ chế trọng dụng, đãi ngộ với sức cạnh tranh đủ lớn cả về vật chất, tinh thần để giữ chân người tài,...
"Có thể phát hiện và thu hút được nhân tài, nhưng sử dụng và phát huy được tài năng của họ mới là vấn đề quan trọng nhất vì nếu không biết sử dụng thì họ không thể có cơ hội cống hiến và phát huy tài năng, đóng góp cho sự phát triển và tiến bộ xã hội, thậm chí làm cho tài năng của họ có thể bị thui chột.
Chính vì vậy trong thực hiện chính sách không thể “khuôn mẫu” cứng nhắc mà phải rất linh hoạt, công tâm, sáng suốt. Vì phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng được “nhân tài” thực sự là một nghệ thuật trong lãnh đạo và quản lý" - ông Hùng bày tỏ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn phát biểu kết luận Hội thảo
Sau một buổi chiều làm việc, hội thảo đã được nghe 10 bài tham luận của đại diện các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học cùng nhiều ý kiến trao đổi trực tiếp.
Các đại biểu cũng thảo luận, tập trung phân tích, đánh giá làm rõ những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, khuyết điểm sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị gắn với 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong đó, tập trung đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp về mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể đối với từng nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) gắn với các mốc thời gian đến năm 2025, năm 2035 và năm 2045 - thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nhằm quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế trong tình hình mới.
Đồng thời, nổi bật lên một số nội dung: Làm rõ thể chế, chính sách trong quản lý, khai thác và phát triển nguồn lực ngày càng hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được tiêu chí về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi và công khai, minh bạch, tháo gỡ các vướng mắc, rào cản từ thực tiễn.
Các tham luận cũng phân tích rõ đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư và lao động sang sử dụng tổng hợp, có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và sử dụng có hiệu quả “nhân tài”.
Phát biểu kết luận hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nêu rõ, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW đã đạt được một số kết quả quan trọng. Song, biến cố đại dịch COVID-19, đặt ra thách thức lớn đòi hỏi chúng ta có những nhận thức mới về việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực để phát triển kinh tế.
"Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp, các đơn vị, địa phương để Ban Tuyên giáo Trung ương có cơ sở tiếp tục tham mưu Bộ Chính trị trong công tác định hướng tuyên truyền về Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị có chất lượng hơn, hiệu quả hơn, góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống" - ông Môn bày tỏ.