Thứ sáu, ngày 22/11/2024

Hải Dương: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao

Thứ Hai 12/08/2024 07:49

Xem với cỡ chữ
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương là một trong các trường đào tạo những người thợ giỏi thạo nghề

Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao", các cấp uỷ đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo như: Kế hoạch số 107-KH/TU ngày 06/8/2014 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW; Quyết định số 218/QĐ-UBND ngày 18/01/2016 về việc phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020; Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 27/8/2018 về việc tăng cường nâng cao trách nhiệm và chất lượng trong công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 1306/KH-UBND ngày 12/5/2022 về thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045;...

Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng thông qua nhiều hình thức như: Hội nghị báo cáo viên, hội nghị giao ban; hội nghị tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về lao động, việc làm; xây dựng chuyên mục tuyên truyền, phóng sự đăng tải trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương, các trang thông tin điện tử; in tờ rơi, sổ tay... Qua đó, đã tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân thay đổi quan niệm về công tác giáo dục nghề nghiệp nói chung, về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao nói riêng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động trong tỉnh.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên tại các cơ sở đào tạo từng bước được nâng cao về chuyên môn; cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo được quan tâm đầu tư; chương trình đạo tạo luôn được đổi mới, phù hợp với nhu cầu người học cũng như nhu cầu của người sử dụng lao động. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.929/1.929 cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đều đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó có 1.415 cán bộ quản lý, nhà giáo trình độ đại học và sau đại học, chiếm tỷ lệ 73,35%. 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo theo quy định và phù hợp theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng thực hành.

Công tác đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm đã góp phần tích cực vào nâng cao tay nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần cải thiện đời sống, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hiện tỉnh Hải Dương có 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hải Dương”, từ năm 2014 - 2021, đã thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho 32.965 lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó có 4.538 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, 840 người thuộc đối tượng bị thu hồi đất canh tác, 73 người thuộc đối tượng thân nhân người có công và dân tộc thiểu số.

Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, đảm bảo công khai, minh bạch trong các cơ sở đào tạo; đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong việc giáo dục nghề nghiệp nhất là đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Lao động qua đào tạo tăng nhanh, đến năm 2023 đạt 32,5%, tạo cơ hội có việc làm, thu nhập ổn định, những người có tay nghề cao có điều kiện lựa chọn, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động gắn kết với doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.

Trường CĐ Dược TW Hải Dương kết hợp Học viện Health Coach Việt Nam ra mắt Chương trình đào tạo cấp chứng chỉ

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như: Công tác tuyên truyền, tư vấn về phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh chưa đạt hiệu quả cao, chưa thực sự sâu rộng. Các trường trung cấp, cao đẳng khó tuyển sinh vì đa số học sinh lựa chọn học đại học, du học, hoặc tham gia trực tiếp vào thị trường lao động làm lao động phổ thông. Các khu công nghiệp, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động chưa chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, địa phương trong việc sử dụng lao động qua đào tạo. Nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục nghề còn hạn chế; nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp vẫn sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị cũ, lạc hậu chưa theo kịp sự phát triển công nghệ và thiết bị máy móc mới của các doanh nghiệp. Công tác xã hội hóa trong giáo dục nghề nghiệp chưa nhiều; các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; hiệu quả hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề chưa cao. Vấn đề liên kết đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc cung cấp lao động qua đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp còn hạn chế...

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và hệ thống chính trị đối với công tác đào tạo nhân lực tay nghề cao. Đổi mới, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng đối với công tác giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nhân lực có tay nghề cao, để tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và đồng hành của doanh nghiệp. Tiếp tục củng cố nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở đào tạo nhân lực có tay nghề cao; đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Tăng cường huy động nguồn lực, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn đầu tư các nghề trọng điểm, các ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động chất lượng cao. Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các nước, các tổ chức quốc tế, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài...

VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: