Thứ năm, ngày 2/5/2024

Hải Dương: Triển khai thực hiện Kết luận số 62-KL/TW, ngày 02/10/2023 của Bộ Chính trị

Thứ Ba 02/04/2024 16:38

Xem với cỡ chữ
Ngày 01/4/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ban hành Kế hoạch số 206-KH/TU về việc triển khai thực hiện Kết luận số 62-KL/TW, ngày 02/10/2023 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ảnh minh họa

Thực hiện Kết luận số 62-KL/TW, ngày 02/10/2023 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Về mục tiêu chung, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần; tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2030, tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với mục tiêu cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu rà soát sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đảm bảo số lượng người làm việc tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, ngày 07/10/2020 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu được thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành). Sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý; thu gọn các điểm trường trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân và đảm bảo cơ bản trên địa bàn một xã, phường, thị trấn chỉ có 01 trường mầm non công lập; trên địa bàn cấp huyện có 01 trường trung học cơ sở chất lượng cao; 02 trường trung học phổ thông công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm (trường hợp đặc biệt có thể có 03 trường trung học phổ thông công lập); tỉnh có 01 trường trung học phổ thông chuyên. Đến năm 2025, sắp xếp, sáp nhập các trường cùng cấp gồm: trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở thuộc các đơn vị hành chính diện sắp xếp, sáp nhập giai đoạn 2023-2025. Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên bảo đảm phù hợp các quy định về chuẩn, tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường, lớp học; quy mô trường, lớp; số học sinh/lớp; tiêu chuẩn giáo viên; diện tích đất, bán kính phục vụ của các cơ sở giáo dục, quy mô dân số.

Bảo đảm tính khoa học, linh hoạt, kế thừa, ổn định lâu dài và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; phù hợp với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo hướng tinh gọn. Phấn đấu giảm 10% cơ sở giáo dục công lập so với năm 2021. Việc tổ chức lại, dồn ghép, sáp nhập các điểm trường, trường có quy mô nhỏ phải được thực hiện trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh. Các đơn vị hành chính cấp xã sau khi sáp nhập phải bảo đảm đủ trường, lớp cho mỗi cấp học. Số lượng trường, lớp phụ thuộc vào quy mô dân số và khoảng cách đi lại của học sinh theo quy định. Thực hiện việc cơ cấu, sắp xếp các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông cùng với sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông hợp lý theo lộ trình từng năm, từng giai đoạn, bảo đảm thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện (Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Đài phát thanh) hoàn thành trong quý III/2024. Thực hiện việc sáp nhập Trường Cao đẳng Y tế Hải Dương vào Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương (sau khi có ý kiến của Bộ Y tế).

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đó là, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan chức năng, đơn vị sự nghiệp công lập và Nhân dân. Kịp thời phát hiện, nhân rộng mô hình đơn vị sự nghiệp công lập điển hình, có cách làm năng động, sáng tạo, hiệu quả. Thường xuyên rà soát, cập nhật các văn bản mới, quy định pháp luật của Trung ương và kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản và các quy định của tỉnh bảo đảm khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW gắn với các chủ trương có liên quan của Đảng, nhất là về tổ chức bộ máy, tiêu chí và điều kiện sắp xếp, nhân lực và cơ cấu đội ngũ, chế độ, chính sách.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng, góp phần bảo đảm an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân. Đổi mới việc phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng tập trung cho dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước; cho địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, đối tượng chính sách, người gặp khó khăn trong cuộc sống, đồng thời đẩy mạnh cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Thực hiện phân cấp, phân quyền cụ thể, rành mạch giữa các cấp chính quyền địa phương trong các lĩnh vực quản lý gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Nâng cao năng lực quản lý, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn quyền hạn với trách nhiệm, quyền lợi với hiệu quả công việc. Tiếp tục đẩy mạnh tự chủ, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập từ nay đến năm 2030 theo mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 19-NQ/TW và Kế hoạch số 74-KH/TU ngày 16/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương xã hội hoá, các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đối với dịch vụ sự nghiệp công phải sát với thực tiễn, khả thi, bình đẳng để phát triển nhanh các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, khoa học - công nghệ ở những nơi có đủ điều kiện; hoàn thành việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ bệnh viện và trường học). Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Kết luận số 62-KL/TW và Kế hoạch này, nhất là điều kiện tiếp cận và chất lượng cung ứng dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.

Đính kèm toàn văn bản:  /CKeditorData/tintuc/files/KH%20206%20TU_signed.pdf

VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: