Ngày 13/5/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 96/2003/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương (Ban Quản lý) trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng phát biểu tại lễ gặp mặt kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh
Ngay trong năm 2003, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt chức năng, nhiệm vụ và bộ máy của Ban Quản lý; ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý với các cấp, các ngành trong việc quản lý các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Trong 20 năm xây dựng và trưởng thành, Ban Quản lý luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các địa phương, sự nỗ lực cố gắng của cán bộ công chức và đặc biệt là sự tin tưởng, hợp tác của các nhà đầu tư hạ tầng và thứ cấp trong các KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Do vậy, việc phát triển các KCN của tỉnh Hải Dương đã đạt được một số thành tựu và kết quả đáng ghi nhận.
A
Ảnh Internet
Năm 2003, việc thành lập 03 KCN đầu tiên gồm KCN Đại An, KCN Nam Sách và KCN Phúc Điền với tổng diện tích trên 320ha đã mở ra hướng đi mới trong đầu tư phát triển kinh tế về hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp tập trung của tỉnh Hải Dương.
Đến nay, theo quy hoạch phát triển các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Hải Dương được quy hoạch gồm 21 KCN và 03 KCN mở rộng, với tổng diện tích khoảng 4.508ha. Đã có 16 KCN được thành lập với tổng diện tích 2.588ha; trong đó, có 12 KCN (các KCN Đại An, Đại An mở rộng - giai đoạn 1, Nam Sách, Phúc Điền, Tân Trường, Kỹ thuật cao An Phát, Lai Vu, Cộng Hoà, Lai Cách, Cẩm Điền - Lương Điền, Phú Thái, An Phát 1) đã triển khai đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh, với tổng diện tích quy hoạch là 1.650ha. 11/12 KCN đang hoạt động đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN; 01/12 KCN đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN theo quy định (KCN An Phát 1). Tỷ lệ lấp đầy trung bình các KCN khoảng 80% trên diện tích đất công nghiệp được bàn giao.
Khu công nghiệp Kỹ thuật Cao An Phát, Hải Dương (Anh Internet)
Tính đến ngày 26/4/2023, 12 KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 319 dự án đầu tư thứ cấp; trong đó, có 251 dự án FDI thứ cấp đến từ 20 quốc gia và vùng, lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,1 tỷ USD và 68 dự án DDI thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 10.982 tỷ đồng; suất vốn đầu tư bình quân của dự án trên 17,2 triệu USD/dự án, khoảng 06 triệu USD/ha đất công nghiệp. Có khoảng 260/319 dự án thứ cấp đã triển khai đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (đạt tỷ lệ khoảng 81,5% tổng số dự án thứ cấp trong KCN), tạo việc làm cho gần 11 vạn lao động với mức lương trung bình từ 6,5 đến 07 triệu đồng/người/tháng; số dự án còn lại đang hoàn thiện các thủ tục để đảm bảo đủ điều kiện xây dựng nhà xưởng, đi vào hoạt động sản xuất theo quy định.
Để tận dụng thời cơ thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển vào Việt Nam, tỉnh Hải Dương đang tập trung chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, các thủ tục về đất đai để bàn giao đất cho 05 nhà đầu tư hạ tầng KCN (gồm: KCN Phúc Điền mở rộng, Gia Lộc, Đại An mở rộng - giai đoạn 2, Tân Trường mở rộng, Kim Thành) với tổng diện tích khoảng 938ha để triển khai thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy định. Đồng thời, có 02 KCN với tổng diện tích quy hoạch 300ha (gồm: KCN Lương Điền - Ngọc Liên và KCN Bình Giang) đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng và các Nhà đầu tư đã lập hồ sơ đề xuất thực hiện dự án theo quy định. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét, thẩm định hồ sơ dự án KCN Bình Giang và KCN Lương Điền - Ngọc Liên để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.
Với những kết quả đạt được trong 20 năm qua, phải khẳng định rằng việc xây dựng và phát triển các KCN đã đóng góp vai trò không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch hiệu quả cơ cấu kinh tế của tỉnh Hải Dương.