Thứ năm, ngày 28/3/2024

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai - Bài 3: Lợi ích kép của việc điều chỉnh đất nông, lâm trường

Thứ Tư 21/09/2022 09:38

Xem với cỡ chữ
Ngày 16/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Nghị quyết 18-NQ/TW nhận định rằng, chúng ta chưa giải quyết cơ bản một số vướng mắc, bất cập liên quan đến quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh.

Hoan thien chinh sach, phap luat ve dat dai (Bai 3) hinh anh 1 Lực lượng liên ngành tổ chức tuần tra bảo vệ rừng cây ngập nước thuộc Vườn Quốc gia Tà Đùng, xã Đắk Som, huyện Đắk GLong (Đắk Nông). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Hài hòa lợi ích Nhà nước – người dân

Các nông trường, lâm trường quốc doanh là tổ chức kinh tế nhà nước được Nhà nước giao quản lý và sử dụng diện tích đất rừng khá lớn vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, với diện tích gần 9,2 triệu ha, chiếm 27,75% diện tích đất liền của cả nước. Việc quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh luôn được hết sức quan tâm.

Ngày 27/11/2015 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 112/2015/QH13 về việc tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng.

Cả nước có 256 công ty nông, lâm nghiệp, trong đó thuộc diện phải sắp xếp đổi mới là 120 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông nghiệp và 136 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp do 49 địa phương, tập đoàn, tổng công ty quản lý.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án tổng thể của 40/41 địa phương cấp tỉnh và các tập đoàn, tổng công ty với 252/256 công ty theo 6 mô hình sắp xếp bao gồm 19 công ty có 100% vốn nhà nước; 61 công ty có 100% vốn nhà nước phải tái cơ cấu nhưng giữ mô hình cũ; 101 công ty cổ phần hóa để trở thành công ty cổ phần; 38 công ty hai thành viên trở lên; 5 công ty trở thành ban quản lý rừng; 28 công ty bị giải thể.

Trước khi được sắp xếp lại, các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng gần 2,23 triệu ha đất, gồm hơn 2,19 triệu ha đất nông nghiệp, hơn 36.800 ha đất phi nông nghiệp.

Theo phương án tổng thể được duyệt sau sắp xếp, các công ty tiếp tục quản lý, sử dụng gần 1,865 triệu ha; giao về địa phương 371.561 ha đất nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Như vậy là vẫn còn 95 doanh nghiệp chưa trình phương án sắp xếp. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các công ty sau khi được sắp xếp vẫn thấp, hiệu quả chưa cao. Nhiều vấn đề về tài chính do quá khứ để lại khó giải quyết. Việc đo đạc, rà soát, cắm mốc ranh giới, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm không giải quyết được kịp thời. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai có nguồn gốc từ nông trường quốc doanh còn phải tiếp tục được xử lý, nhất là đối với diện tích khoán cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư; hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng còn chưa cao. Diện tích đất bàn giao về địa phương mới được thực hiện khoảng 50% theo phương án được duyệt.

Nghị quyết 18-NQ/TW nhằm mục tiêu chung là bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất; giảm thiểu lãng phí, tiêu cực; giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện có liên quan đến đất đai; đất đai sẽ được sử dụng hiệu quả và bền vững hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một trong những mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết 18-NQ/TW đề ra là đến năm 2025 phải giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh.

Giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Về giải pháp đối với đất nông nghiệp, Nghị quyết 18-NQ/TW xác định rõ, cần có chính sách phù hợp để ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất, cùng với các cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi được giao đất.

Hoan thien chinh sach, phap luat ve dat dai (Bai 3) hinh anh 2 Kiểm lâm, các công ty lâm nghiệp địa phương kết hợp với các cuộc họp làng để tuyên truyền việc trồng rừng trên đất lâm nghiệp. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Luật Đất đai năm 2013 đã có một điều riêng (Điều 27) quy định về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đòi hỏi sự bổ sung, chỉnh sửa cụ thể hơn nữa liên quan đến việc thu hồi đất của các nông, lâm trường quốc doanh hoạt động kém hiệu quả để giao cho các hộ gia đình và cộng đồng dân tộc thiểu số có nhu cầu và có khả năng sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Việt Nam có 54 thành phần dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14,119 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Đồng bào các dân tộc thiệu số cư trú thành cộng đồng ở 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, 548 huyện, 51 tỉnh, thành phố. Địa bàn cư trú của đồng bào chủ yếu là ở miền núi, trung du phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Hầu hết đồng bào các dân tộc thiểu số có sinh kế gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp (khoảng trên 90% lao động người dân tộc thiểu số sinh sống bằng nghề nông). Vì thế, đất đai (đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng…) là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào. Rừng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Nghị quyết 24/NQ-TW năm 2003 chỉ ra tình trạng du canh, du cư, di cư tự do còn diễn biến phức tạp do một số hộ còn thiếu đất sản xuất; kinh tế lâm nghiệp chuyển biến chậm, chính sách đối với lâm nghiệp chưa thật sự bảo đảm cho người dân sống và gắn bó với nghề rừng… Vì vậy, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai ở vùng dân tộc thiểu số được xác định là một trong những nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách.

Hoan thien chinh sach, phap luat ve dat dai (Bai 3) hinh anh 3 Lực lượng Kiểm lâm phối hợp với chủ rừng và các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tổ chức dọn, phát thực bì ở khu vực rừng trồng cây keo lai theo tiêu chuẩn trồng rừng quốc tế FSC, tại xã Thanh Tương, huyện Na Hang. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đã nêu rõ: “Sớm có giải pháp đáp ứng nhu cầu đất sản xuất và việc làm cho bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số không có đất sản xuất”.

Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, đã nêu nhiệm vụ là tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án định canh, định cư. Mục tiêu là giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số vào năm 2025.

Luật Đất đai (sửa đổi 2013) có Điều 27 quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước về bảo đảm đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, đồng thời có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào trực tiếp sản xuất nông nghiệp có đất để sản xuất. Luật cũng quy định, quỹ đất thu hồi của các tổ chức đang sử dụng đất nông nghiệp sẽ được ưu tiên để giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân là người dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất.

Nghị quyết số 112 /2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng, có khoản 2, Điều 2 quy định: “Tiếp tục rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích và giao lại cho địa phương để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất ở địa phương quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đã tạo hành lang pháp lý quan trọng giải quyết chính sách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và 25 triệu dân nông thôn, miền núi nói chung, với mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở.

Trong giai đoạn từ năm 2003 đến 2016 Nhà nước đã hỗ trợ đất ở cho hơn 93.600 hộ, đất sản xuất cho trên 107.800 hộ gia đình dân tộc thiểu số. Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết hàng trăm nghìn hộ nghèo, không có đất ở, nhà ở, không có hoặc thiếu đất sản xuất. Nhiều hộ đồng bào nghèo, du canh, du cư, di cư tự do, sinh sống trong vùng thiên tai, nguy hiểm… từng bước có cuộc sống ổn định và nâng cao đời sống, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết đất đai vẫn còn tồn tại những hạn chế. Tình hình khiếu kiện, lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa các hộ cá nhân với nhau, giữa hộ cá nhân với các công ty nông, lâm nghiệp diễn ra ở nhiều địa phương. Tại 5 tỉnh Tây Nguyên còn nhiều hộ thiếu đất sản xuất (chủ yếu là hộ dân tộc thiểu số di cư tự phát); đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn, còn nhiều hộ dân tộc thiểu số di cư tự phát cần sắp xếp, bố trí ổn định, còn nhiều hộ thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở...

Chính sách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số cần được tiếp tục đổi mới trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, cần sửa đổi một số vấn đề còn bất cập, chồng chéo, chưa thống nhất liên quan đến vấn đề giao đất, giao rừng được quy định trong Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Dân sự…. theo hướng công nhận cộng đồng dân cư là chủ rừng có quyền lợi và nghĩa vụ như các chủ rừng khác; công nhận diện tích rừng thiêng, rừng tâm linh, rừng đầu nguồn nước… gắn với phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa của các dân tộc là đất tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc giống như đất đền chùa, nhà thờ, miếu mạo…

Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có Điều 48 “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” quy định: Rà soát quy hoạch sử dụng đất được thực hiện theo định kỳ 5 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

Còn Điều 150 “Đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng” có nội dung: Các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông trường, lâm trường có trách nhiệm rà soát hiện trạng sử dụng đất về vị trí, ranh giới quản lý, sử dụng đất; diện tích đất đang sử dụng đúng mục đích; diện tích đất sử dụng không đúng mục đích; diện tích đất không sử dụng; diện tích đất đang giao khoán, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, bị lấn, bị chiếm và đang có tranh chấp.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thu hồi đất đối với phần diện tích bàn giao cho địa phương theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt; diện tích đang cho thuê, cho mượn trái pháp luật; bị lấn, chiếm; liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư không đúng quy định thì Nhà nước quyết định thu hồi đất để tạo quỹ đất theo quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 101 của Luật này.

Đối với diện tích đất mà tổ chức sử dụng đất đã giải thể; diện tích đất bàn giao cho địa phương thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập phương án sử dụng theo thứ tự ưu tiên sau: Giao đất, cho thuê đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình, cá nhân ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất; công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất là người nhận khoán, người đang thuê đất sử dụng đất nếu người sử dụng đất có nhu cầu và việc sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương

Theo TTXVN

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: