Thứ sáu, ngày 26/4/2024

Hội nghị lấy ý kiến xây dựng Luật Cảnh sát cơ động

Thứ Ba 14/09/2021 16:36

Xem với cỡ chữ
Sáng 14/9/2021, tại Công an tỉnh Hải Dương, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hải Dương (khóa XV) chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến xây dựng Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ).

Đồng chí Lê Văn Hiệu – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, chủ trì Hội nghị

Dự Hội nghị có đồng chí Lê Văn Hiệu – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lãnh đạo HĐND tỉnh; Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh; Lãnh đạo Ban pháp chế, HĐND tỉnh; Lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh và các chuyên viên có liên quan. Về phía Công an tỉnh có đồng chí Thượng tá Bùi Mạnh Hùng – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an tỉnh; đại diện lãnh đạo một số phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh; lãnh đạo phòng, chỉ huy các đội, đại đội và các đồng chí nguyên là lãnh đạo phòng CSCĐ.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phổ biến chương trình xây dựng Luật CSCĐ; giới thiệu về dự thảo Luật CSCĐ và một số nội dung xin ý kiến.

Sau 7 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, lực lượng CSCĐ toàn quốc nói chung, lực lượng CSCĐ tỉnh Hải Dương nói riêng đã được đầu tư xây dựng và trưởng thành, phát huy được vai trò là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là triển khai thực hiện các phương án tác chiến, trấn áp kịp thời mọi hoạt động gây phương hại đến an ninh, trật tự, biểu tình bất hợp pháp; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí, tham gia đấu tranh triệt phá các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức, chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng phương án vũ trang canh gác, bảo vệ an toàn các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội… được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực CSCĐ mới là Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ trong tình hình hiện nay. Qua 7 năm triển khai thi hành, Pháp lệnh CSCĐ đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Mặt khác, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình mới đã đặt ra yêu cầu nghiên cứu, luật hóa đầy đủ, kịp thời, đúng đắn các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, chặt chẽ hơn cho lực lượng CSCĐ thực thi nhiệm vụ, góp phần tăng cường trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của CSCĐ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phát biểu ý kiến góp ý xây dựng Dự thảo Luật CSCĐ. Các tham luận đã bám sát nội dung Dự thảo Luật CSCĐ và tập trung vào một số vấn đề như: Chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng thuộc CSCĐ hiện nay, việc bổ sung lực lượng không cảnh, thủy cảnh trong lực lượng CSCĐ có cần thiết không; Quyền sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng CSCĐ; Quyền huy động người, phương tiện, thiết bị của lực lượng CSCĐ; Thực trạng công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và lực lượng CSCĐ khi thực hiện nhiệm vụ; Chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sỹ CSCĐ; Những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị…  

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Văn Hiệu - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận kết quả công tác của lực lượng CSCĐ tỉnh Hải Dương trong thời gian qua. Đồng chí cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng Luật CSCĐ trong tình hình hiện nay. Các ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Luật CSCĐ của các đại biểu tại Hội nghị sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh nghiên cứu, tập hợp và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp lấy ý kiến xây dựng Luật Cảnh sát cơ động trong thời gian tới.

Phương Thùy

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: